05:18 19/05/2017

Buôn bán ma túy tinh vi theo kiểu 'hàng đổi hàng'

Các đối tượng mua bán, vận chuyển theo 2 chiều, xu hướng theo kiểu “hàng đổi hàng”: vận chuyển heroin từ nội địa lên Cao Bằng sang Trung Quốc tiêu thụ, đồng thời mua ma túy tổng hợp, ma túy đá, tiền chất ma túy về Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển sang nước thứ ba.

Thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2017 một số tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc do Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tổ chức ngày 19/5 tại Cao Bằng.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, từ đầu năm, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới ở Cao Bằng vẫn phức tạp.

Hình ảnh tại cuộc giao ban.

“Các thủ đoạn ngày một tinh vi và hết sức manh động, có vũ trang, có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Địa bàn trọng điểm là các cửa khẩu Tà Lùng, Lý Vạn”, ông Nông Văn Xứng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cho biết.

Một mặt hàng cấm khác là pháo nổ cũng diễn biến phức tạp trong quý I, chủ yếu tập trung vào Tết Nguyên đán. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là mua pháo từ bên Trung Quốc rồi vận chuyển ra sát đường biên giới, chia nhỏ rồi thuê người vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ, tang vật vi phạm tịch thu là hơn 2 tấn pháo các loại.

Trong quý I, các vụ nhập lậu bị phát hiện chủ yếu là hàng tạp hoá tiêu dùng (quần áo, gia cầm, sản phẩm gia cầm, nông cụ, thủy sản, xúc xích, phân đạm…). Ngoài ra, một số đối tượng nhập lậu sắt phế liệu, gỗ từ Trung Quốc về Việt Nam để buôn bán kiếm lời. Nổi lên trong dịp này là hoạt động nhập lậu trứng gia cầm qua Bảo Lạc ra Nguyên Bình rồi đưa đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Ngược lại, các mặt hàng xuất lậu chủ yếu là nông sản, gia súc (trâu, lợn…) vẫn diễn ra nhỏ lẻ ở các khu vực lân cận biên giới.

Số liệu tổng hợp của tỉnh cho biết, quý I đã có 315 vụ vi phạm bị xử lý (chuyển khởi tố hình sự 23 vụ), thu nộp ngân sách gần 7,9 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kì năm 2016.

Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng cho biết thêm, tại tỉnh tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới do Cao Bằng có vùng nguyên liệu thuốc lá. Các đối tượng có thể sẽ vận chuyển buôn lậu nhỏ lẻ để trà trộn vào các kho bãi.

Tình trạng vứt xác lợn chết ra bờ sông, bờ suối gây ô nhiễm môi trường đã được xử lý nhưng lại nảy sinh tình trạng thu gom lợn chết để chế biến thực phẩm. Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã phát hiện 3 vụ.

Phân tích nguyên nhân, đại diện tỉnh cho hay: Địa bàn quản lý có đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn, lối mở trong khi lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới tại một số nơi còn sơ hở, để các đối tượng lợi dụng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tại cuộc giao ban, đại diện các tỉnh thành phía Bắc cũng đã trình bày về tình hình chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn mình, cũng như đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

Ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: Diễn biến hàng lậu tại thành phố có dấu hiệu ít hơn nhưng đường dây ổ nhóm lại phức tạp hơn. Các hoạt động gian lận thương mại vẫn phức tạp. Ông San đề nghị sửa Thông tư 64/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ ràng những trường hợp được truy xuất hàng hóa; trong quyết toán thuế, doanh nghiệp phải cung cấp hóa đơn để truy xuất nguồn gốc hàng hóa...

Các đại biểu góp ý kiến tại giao ban.

Trong khi đó, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an nêu thực tế, các bộ luật hiện nay còn có quy định "đá nhau" không phân định được hàng cấm hay hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó đã dẫn đến tình trạng các địa phương phía Nam khi bắt được thuốc lá buôn lậu nhưng không biết xử lý kiểu gì. Chính phủ cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết xác định rõ hàng cấm và hàng kinh doanh có điều kiện để tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi.

Kết thúc giao ban, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá: Tình hình buôn lậu qua biên giới phía Bắc đã được kiềm chế so với năm ngoái. Đặc biệt là hạn chế được những điểm nóng, những diễn biến gây bức xúc lớn.

Đề xuất của các địa phương, ban ngành xoay quanh 3 nhóm vấn đề: bất cập trong tổ chức, điều hành; những bất cập trong quy định pháp luật; công tác tuyên truyền. Ông Thế cho rằng, đây là những kiến nghị chính đáng xuất phát từ thực tế. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ghi nhận những kiến nghị này và sẽ có chỉ đạo cụ thể để công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức