01:08 05/01/2015

Bước tiến mới của ngoại giao Việt Nam

Năm 2014 có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức với ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có tình hình Biển Đông và việc đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi của lao động xuất khẩu của Việt Nam ở các nước.

Năm 2014 có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức với ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có tình hình Biển Đông và việc đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi của lao động xuất khẩu của Việt Nam ở các nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi về những vấn đề này trong Chương trình: “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Về ngoại giao chính trị, nếu năm 2013, Việt Nam thiết lập khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, thì năm 2014, đã phát huy tốt, đưa các mối quan hệ này đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Việt Nam cũng giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Mặt khác, chúng ta đã nỗ lực đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại ổn định, thúc đẩy hợp tác.

Ngoại giao kinh tế cũng đã góp phần khắc phục những hậu quả của bất ổn kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng qua việc tích cực hỗ trợ việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và ODA với các kết quả cụ thể: EU tăng ODA giai đoạn 2014 - 2020 lên 400 triệu Euro, Hàn Quốc ký MOU 12 tỷ USD với ta để phát triển cơ sở hạ tầng; Nhật cùng Việt Nam nâng cấp lên đối tác chiến lược sâu rộng và cam kết ODA 120 tỷ yên cho 5 dự án hạ tầng cơ sở và năng lượng; Việt Nam cũng cơ bản kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazaxtan.

Về ngoại giao văn hóa, Thông tin tuyên truyền và Ngoại giao đa phương đã góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Công tác Người Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều tiến triển.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ quan hệ, ổn định, hòa bình để phát triển là 2 mục tiêu không mâu thuẫn mà tương hỗ, bổ sung nhau. Không thể có quan hệ ổn định và hòa bình nếu không có độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chỉ có thể bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở quan hệ ổn định và hòa bình. Chìa khóa để theo đuổi cả 2 mục tiêu đó chính là việc đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng nghĩa với việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng một cách hòa bình.

Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế tăng cường hiểu biết và lòng tin trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam cũng hoan nghênh mọi sáng kiến, đề xuất vì mục tiêu và lợi ích chung là duy trì ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác và Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực vào việc hình thành và triển khai các sáng kiến đó.

“Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đang bước sang giai đoạn phát triển mới về chất, thể hiện qua 3 nét mới: Một là, liên kết khu vực đang đi vào chiều sâu với việc Cộng đồng ASEAN hình thành năm 2015; Hai là, quan hệ với các đối tác quan trọng ngày càng sâu sắc. Việt Nam sẽ là nước ASEAN đầu tiên ký kết FTA với tất cả các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của thế giới. Ba là, tại các diễn đàn đa phương quan trọng, chúng ta đang chuyển từ chỗ chỉ “tham dự”, sang đã “chủ động, tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến”. Song những thách thức cũng không hề nhỏ; đặc biệt, cơ sở hạ tầng, vấn đề thể chế và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Do đó, Chính phủ đang hết sức nỗ lực thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng, hoàn thiện thể chế và tăng cường nhân lực thời gian qua”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài

Năm 2014, tại một số địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống đã xảy ra chiến tranh, xung đột, gây nguy hiểm đến tính mạng của công dân Việt Nam. Đặc biệt, tại Ukraine, trong cộng đồng 10.000 người Việt Nam, có hơn 300 người chịu ảnh hưởng tại khu vực có xung đột tại miền Đông Ukraine. Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo ĐSQ Việt Nam tại Ukraine đặt chế độ trực 24/7, luôn theo dõi, bám sát tình hình, chủ động xây dựng các kế hoạch sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng nguy hiểm. ĐSQ đã cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo, cảnh báo công dân không đi đến những khu vực miền Đông Ukraine; đề nghị công dân liên hệ ngay với ĐSQ để được hỗ trợ, bảo hộ cần thiết khi gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cuộc sống và sinh hoạt bình thường của bà con, Đại sứ quán Việt Nam cũng thường xuyên hỗ trợ trực tiếp cộng đồng; huy động hội, đoàn thể trong cộng đồng giúp bà con ổn định làm ăn; giải quyết giấy tờ đi lại, học tập... cho bà con, đồng thời tranh thủ quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đề nghị chính quyền nước bạn bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho công dân Việt Nam. Đến nay, chưa có trường hợp nào tổn thất về tính mạng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan và ĐSQ Việt Nam tại Ukraine tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ cần thiết, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng ứng phó nếu tình hình diễn biến xấu hơn.

Trọng Thủy