03:14 23/03/2018

Bước điều chỉnh chính sách trong quyết định thay đổi nhân sự của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 tiếp tục có những thay đổi trong đội ngũ cố vấn chính sách ngoại giao, theo đó thay thế Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster bằng ông John Bolton, một nhân vật được cho là có quan điểm "diều hâu" ủng hộ sử dụng biện pháp quân sự trong các vấn đề Triều Tiên và Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) rời Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 16/6/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Bolton, 69 tuổi, là chuyên gia phân tích của kênh truyền hình Fox News và từng có ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông từng đảm nhiệm vai trò là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và quan chức cấp cao phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Sau việc Tổng thống Mỹ bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào cương vị Ngoại trưởng Mỹ thay ông Rex Tillerson, quyết định thay đổi nhân sự mới nhất này cho thấy Tổng thống Trump dường như chủ trương lựa chọn đội ngũ cố vấn có cùng quan điểm, và thực thi chính sách ngoại giao theo hướng cứng rắn hơn. Theo giới phân tích, các quan điểm của ông Bolton sẽ có sức ảnh hưởng.

Ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng quyết định bổ nhiệm ông Bolton vào cương vị cố vấn an ninh quốc gia là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng lựa chọn các giải pháp quân sự đối với Triều Tiên, bất chấp Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Thậm chí, việc bổ nhiệm ông Bolton có thể đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Dư luận đã đồn đoán về khả năng vào ngày 12/5 tới - thời hạn chót mà Tổng thống Trump đặt ra để các nước điều chỉnh thỏa thuận hạt nhân Iran, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. Tuy nhiên, việc ông Bolton đảm nhiệm vai trò mới cũng có thể dẫn tới những bất đồng với Tổng thống Trump trong chính sách đối ngoại với Nga khi nhà lãnh đạo Mỹ vẫn giữ quan điểm củng cố các mối quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Quyết định của Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Bolton nắm giữ một vị trí quan trọng trong Nhà Trắng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong chính giới Mỹ. Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, vốn cũng là một nhân vật "diều hâu" của đảng Cộng hòa, đã hoan nghênh sự trở lại của ông Bolton, cho rằng việc lựa chọn ông Bolton là tin tốt đối với các đồng minh của Mỹ và là tin xấu đối với các quốc gia đối địch. Chung quan điểm trên, ông Elliott Abrams, một cố vấn chính sách ngoại giao cấp cao dưới thời cựu Tổng thống Bush nhận định ông Bolton là một người có năng lực và quyết đoán.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ  Jack Reed cho rằng đây không phải là một lựa chọn sáng suốt bởi ông Bolton không có "tố chất và khả năng phán đoán" để trở thành một cố vấn an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons cũng cảnh báo cách tiếp cận của ông Bolton trong các vấn đề Triều Tiên và Iran là quá "hung hăng và nguy hiểm".

Ông Bolton được biết đến là một nhân vật có quan điểm hiếu chiến trong nhiều vấn đề toàn cầu. Trên trang mạng Twitter ngày 11/1 vừa qua, ông Bolton nhấn mạnh đã đến lúc phải sử dụng các biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, vào thời điểm Tổng thống Trump dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù các nước châu Âu nhất trí sửa đổi thỏa thuận này, ông Bolton cho rằng cần hủy bỏ thỏa thuận. Ông cũng kêu gọi cần có những "biện pháp đáp trả hiệu quả" trong vấn đề tấn công mạng mà Nga bị cáo buộc có liên quan. Dưới thời cựu Tổng thống Bush, ông Bolton là một trong những quan chức ủng hộ Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Quyết định bổ nhiệm ông Bolton không cần đưa ra Thượng viện Mỹ xem xét và thông qua. Theo thông báo của Tổng thống Trump, sẽ có một cuộc bàn giao chính thức và sau đó ông Bolton sẽ đảm nhiệm vai trò Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ vào ngày 9/4 tới.

TTXVN/Báo Tin tức