10:15 16/10/2019

Bước chuyển giao của EU

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 17 - 18/10 được kỳ vọng là dịp để các lãnh đạo châu Âu đưa ra quyết định về cách thức để nước Anh rời EU, gọi là Brexit, đồng thời bàn thảo về những chiến lược tương lai của khối.

Chú thích ảnh
Vấn đề Brexit chiếm vị trí quan trọng tại các hội nghị thượng đỉnh của EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn đề Brexit từ 3 năm nay luôn chiếm vị trí quan trọng bậc nhất tại các hội nghị thượng đỉnh của EU. Theo lịch trình, Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới và hội nghị thượng đỉnh lần này được xem là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên thông qua một thỏa thuận trong thời gian đã định.

Brussels đang nỗ lực để tránh một Brexit "không thỏa thuận", thậm chí có thể tính tới khả năng lần thứ ba hoãn Brexit - điều nếu xảy ra sẽ càng kéo dài sự không chắc chắn về cách mà Anh sẽ ra đi như thế nào sau 46 năm trong quỹ đạo châu Âu.

Về phía London, nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể xoay xở để đạt được một thỏa thuận thì phía trước ông vẫn sẽ còn nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là thuyết phục được quốc hội nước này, vốn chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Brexit giữa những người ủng hộ duy trì quan hệ chặt chẽ với EU và số khác muốn cắt đứt với EU nhanh nhất có thể,  phê chuẩn nó.

Các nghị sĩ Anh, những người từng 3 lần từ chối thỏa thuận do cựu Thủ tướng Theresa May đàm phán được, sẽ gặp nhau trong một phiên họp đặc biệt vào ngày 19/10 để đưa ra ý kiến về một thỏa thuận mới trong trường hợp ông Boris Johnson đạt được với EU.

Ngược lại, nếu hai bên không tìm được một thỏa thuận cho đến thời điểm trên, một đạo luật mới được Quốc hội Anh thông qua vào tháng 9 vừa qua yêu cầu ông Boris Johnson phải đề nghị hoãn Brexit trong thời gian 3 tháng, tức là tới ngày 31/1/2020.

Hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Anh rời khỏi EU, các cuộc đàm phán giữa London và Brussels hiện vẫn đang bế tắc xung quanh vấn đề nhức nhối nhất liên quan tới khả năng khôi phục kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Cả hai bên đang thực hiện một kế hoạch mới, trong đó các biện pháp kiểm soát hải quan sẽ phải được tái triển khai giữa Bắc Ireland và Vương quốc Anh chứ không phải trên đảo Ireland như đề xuất của London vào đầu tháng 10. Sự xuất hiện của các biện pháp kiểm soát ở Ireland, theo Dublin và Brussels, là điều không thể chấp nhận được vì nó trái với  hiệp định hòa bình Bắc Ireland.

Điểm bất đồng nữa, được coi là ít khó khăn hơn về phía Brussels, là vấn đề trao cho chính quyền Bắc Ireland quyền phủ quyết đối với một thỏa thuận rút lui. Đề xuất ban đầu của ông Johnson là trao quyền này cho các nghị sĩ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland. EU bảo vệ  quan điểm là các nghị sĩ của Belfast sẽ không được triệu tập để quyết định về thỏa thuận trước khi nó có hiệu lực. Bắc Ireland có thể đơn phương làm điều này sau đó, nhưng chỉ trong những điều kiện rất cụ thể và phải có kế hoạch  trước khoảng vài năm.

Một Brexit vào đêm Halloween sẽ là điều tốt nhất có thể đến với Thủ tướng Johnson. Tuy nhiên, nếu nhượng bộ nhiều cho EU trên vấn đề Bắc Ireland, ông có nguy cơ đánh mất sự hỗ trợ của phái ủng hộ Brexit "cứng" và đảng DUP, điều đó có thể làm tiêu tan cơ hội phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội Anh.

Tại Brussels, nhiều người đã nghĩ đến việc hoãn Brexit thêm một lần nữa. Sẽ có thể cần một vài ngày trong trường hợp lùi thời gian để Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận sau ngày 31/10, hoặc một vài tuần nếu London và Brussels không tìm thấy điểm chung trước Hội nghị thượng đỉnh ngày 17 - 18/10, nhưng các cuộc thảo luận được tiếp tục. Tuy nhiên, nếu khoảng cách bất đồng không được thu hẹp trong những ngày tới, thời gian lùi sẽ lâu hơn rất nhiều, thậm chí có thể xuất hiện những kịch bản khác.

Vào thời điểm này, cả EU và Vương quốc Anh đều thực sự muốn đạt được một thỏa thuận. Tại Brussels, sau thời gian 2 năm rưỡi đàm phán cùng hai lần trì hoãn, sự mệt mỏi vì Brexit là điều được cảm nhận rõ rệt. Bên cạnh đó, EU hiện rất muốn tập trung nguồn lực của mình vào việc xây dựng củng cố nội khối với những vấn đề nhức nhối như người di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Một thỏa thuận rõ ràng về Brexit sẽ là cơ sở cho các quyết sách chiến lược của những nhà lãnh đạo EU mới được bầu sau cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua.

Tại hội nghị mùa thu này, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ bàn thảo về chương trình nghị sự chiến lược và các ưu tiên của EU trong giai đoạn 2019-2024. Chủ tịch mới đắc cử của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ được mời trình bày các ưu tiên thời gian tới.

Trong định hướng 5 năm tới, EU quyết tâm tăng cường vai trò của mình trong một môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng. EU đã xác định sẽ hành động quyết đoán và có chủ đích, dựa trên các giá trị và thế mạnh từ mô hình của khối. Chỉ bằng cách này, EU mới có thể có được vai trò trong việc định hình thế giới ngày mai nhằm mục tiêu thúc đẩy lợi ích của công dân, doanh nghiệp cũng như xã hội và bảo tồn các giá trị EU.

Kế hoạch này mang tính chiến lược và xác định ra một khuôn khổ toàn cầu cùng những phương hướng chung nhằm đạt các mục đích mà EU đã đề ra. Được thiết kế để định hướng hoạt động của các thể chế EU trong 5 năm tới, chương trình tập trung vào 4 ưu tiên chính: bảo vệ công dân và quyền tự do; thiết lập một cơ sở kinh tế mạnh mẽ và năng động; xây dựng một châu Âu trung lập về khí hậu, xanh, cân bằng và mang tính xã hội cao; thúc đẩy các lợi ích và giá trị của châu Âu trên trường quốc tế.

Với tham vọng xây dựng một Ủy ban châu Âu "địa chính trị", bà Von der Leyen đã ngụ ý một cách tiên quyết rằng EU sẽ phải thích nghi với một thế giới của các siêu cường. EU tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ tốt hoặc chí ít là không đối đầu với các siêu cường như Trung Quốc, Nga, thậm chí là Mỹ, đối tác truyền thống xuyên Đại Tây Dương của EU song mối quan hệ hai bên đang sứt mẻ nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017.

Mục tiêu này đòi hỏi EU phải có được sức mạnh cả về chính trị, kinh tế và quân sự tương xứng. Điều cản trở chính lại nằm ở chính EU, bởi vấn đề quan hệ giữa EU với các cường quốc trên tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối, mà nguyên nhân xuất phát từ những cân nhắc lợi ích của từng nước thành viên. Pháp, nước đầu tàu châu Âu, muốn đưa vấn đề thương mại ra bàn thảo trong khi Mỹ vừa tăng thuế đối với các sản phẩm châu Âu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.

Một chủ đề quan trọng hàng đầu của hội nghị lần này sẽ là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và chiến dịch tấn công nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria, gây nguy cơ leo thang cuộc xung đột trong khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ đặc biệt lo ngại về sự trỗi dậy của lực lượng thánh chiến, đặc biệt là những người Kurd từng chiến đấu cho các tổ chức khủng bố.

Các nhà lãnh đạo EU được cho sẽ thống nhất tuyên bố hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria "gây ra những hậu quả nghiêm trọng" trong bối cảnh một số nước EU, trong đó có Pháp và Đức, đã quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên lệnh cấm vận vũ khí trên toàn EU hiện vẫn chưa được đưa ra. Bên cạnh đó, khả năng EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria cũng sẽ được đề cập, song đây không phải quyết định dễ dàng bởi vấn đề người tị nạn và nhập cư luôn là "quân át chủ bài" của Ankara khi cần gây sức ép với EU.

Kim Chung (Phóng viên TTXVN tại EU)