02:10 10/02/2011

Bừng sáng Dung Quất

Đến mùa xuân 2011 này là tròn 15 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất - nay là Khu kinh tế (KKT) Dung Quất.

Đến mùa xuân 2011 này là tròn 15 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất - nay là Khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, KKT Dung Quất đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và được ghi nhận là một KKT thành công nhất của cả nước hiện nay.

15 năm- một chặng đường

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết: Qua 15 năm hình thành và phát triển chưa phải là thời gian dài nhưng cũng không ngắn, riêng giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của KKT Dung Quất kể từ khi thành lập (1996).


Đây là giai đoạn tăng tốc đầu tư và phát triển với sự đan xen giữa những thuận lợi và những khó khăn, thách thức. Đến cuối năm 2010, KKT Dung Quất đã có 113 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD. Trong đó có 101 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 4,03 tỷ USD; 12 dự án nước ngoài tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, có 60 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo ra hơn 12 ngàn việc làm.

Trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Đặc biệt, giai đoạn 2006- 2010, qua 5 năm xây dựng và phát triển, đã hình thành tại KKT Dung Quất Tổ hợp công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam bao gồm: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất- trái tim của KKT, Nhà máy Đóng tàu, Nhà máy Chế tạo thiết bị công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy Nhựa Polypropylene, Nhà máy Luyện cán thép, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất…


Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và đang từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại KKT Dung Quất hiện nay có 3 nhà máy có qui mô lớn trên 300 triệu USD đó là: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Từ khi nhận bàn giao (30/5/2010), nhà máy luôn vận hành ổn định ở 100% công suất.


Tính từ thời điểm bắt đầu chạy thử đến hết tháng 12/2010, nhà máy đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Tuy mới bàn giao cuối tháng 5/2010, nhưng trong năm 2010 vừa qua nhà máy có tổng doanh thu 60.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và nộp ngân sách 10 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết: Năm 2011, Công ty đề ra kế hoạch tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ 5.188.000 tấn xăng dầu các loại, phấn đấu đạt mức doanh thu gần 77.500 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 15.332 tỷ đồng.


Dự kiến trong tháng 1/2011 xuất bán ra thị trường khoảng 584.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó, khí LPG ước khoảng 31.000 tấn, Polypropylene 12.000 tấn và 541.000 tấn xăng dầu các loại, đạt 102,5% với kế hoạch.

Trong những ngày đầu năm 2011, chúng tôi đến Công ty Công nghiệp nặng Doosan (Doosan Vina), ông Bong Jin Cho, Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina phấn khởi cho rẳng: Với Tổ hợp 5 nhà máy công nghiệp nặng của Công ty tại KKT Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi, là một trong các tổ hợp công nghiệp nặng quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích 110 hécta, đầu tư trên 300 triệu USD, sử dụng gần 2.000 lao động trong nước. Qua hơn một năm rưỡi đi vào hoạt động đã sản xuất ra những sản phẩm như nồi hơi, máy khử mặn, giàn cẩu v.v... đã xuất khẩu từ Braxin, Saudi Arabia, Inđônêxia, Ấn Độ… trị giá trên 250 triệu USD.

Trong năm qua Doosan Vina cũng đã hoàn thành việc xây dựng cảng nước sâu chuyên dụng giúp việc xuất hàng đến các nước trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, ông Cho vui mừng thổ lộ: Doosan Vina vừa trúng thầu chế tạo thiết bị dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh) có công suất 1.000 MW và dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập (Nghệ An) có công suất 600 MW.

Công ty đang lên kế hoạch chuẩn bị sản xuất 3/8 thiết bị khử mặn (thiết bị hóa hơi) lớn nhất từ trước tới nay tại Công ty này theo hợp đồng được ký kết giữa Doosan Heavy Industries & Construction (Hàn Quốc) - công ty mẹ của Doosan Vina và Saudi Arabia. Riêng 3 thiết bị khử mặn do Doosan Vina chịu trách nhiệm sản xuất có công suất trên 270 triệu lít nước sạch/ngày.


Trong năm nay Công ty sẽ tuyển đụng thêm 600 kỹ sư, công nhân và hy vọng vài năm nữa số lượng công nhân viên toàn công ty sẽ lên tới 3.500 người và sẽ xuất khẩu những máy móc thiết bị “Made in Viet Nam”.

Còn ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) bộc bạch: Sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn Vinashin, hiện nay vốn điều lệ Tập đoàn cấp 1.117 tỷ đồng, đã thanh toán nợ cho các ngân hàng 756 tỷ đồng, nguồn vốn đảm bảo duy trì sản xuất 3 ca liên tục, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.800 cán bộ, công nhân với mức thu nhập từ 2,8- 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Công ty đang tập trung mọi nỗ lực phấn đấu trong năm nay sẽ hạ thủy 2 tàu có trọng tải 104.000 tấn và tàu 105.000 tấn. Ngoài ra công ty còn đóng mới các sà lan, sửa chữa tàu, mới đây Công ty cũng đã ký được 3 hợp đồng sửa chữa sà lan cho Vietsopetro tại Vũng Tàu…

Sự phát triển nhanh chóng của KKT Dung Quất đã tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó thu ngân sách năm 2010 đạt hơn 16.500 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005.


Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự phát triển bứt phá của tỉnh ở một số chỉ tiêu cơ bản: Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm là 18,66%; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006- 2010 có tốc độ tăng bình quân 58,1%, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng tăng từ 30% năm 2005 lên 58,95% năm 2010.

Năm 2011 tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,5 - 14. Kết quả trên khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó trọng tâm là các ngành lọc hóa dầu, ngành công nghiệp nặng gắn với biển và chiến lược kinh tế biển tại KKT Dung Quất.

Hướng tới tương lai

Để tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư và phát triển KKT Dung Quất trong giai đoạn 2011- 2015, trước mắt là thực hiện Quyết định 2052/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.


Trong đó, quy hoạch cũng đã xác lập việc mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300 ha lên 45.332 ha và sẽ hình thành thành phố công nghiệp mở Vạn Tường; Trung tâm Lọc hóa dầu gắn với cảng nước sâu Dung Quất II (cho tàu trọng tải từ 250.000- 300.000 tấn) hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp nặng và hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất II và sân bay quốc tế Chu Lai. Đây sẽ là nhân tố quyết định, là động lực cho sự phát triển của KKT Dung Quất trong giai đoạn tới.

Từ những định hướng phát triển trong giai đoạn mới, Ban quản lý KKT Dung Quất đề ra mục tiêu phát triển lâu dài của KKT Dung Quất là khẳng định vai trò của một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện - cán thép, cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu Dung Quất I và Dung Quất II, hướng tới trở thành thành phố công nghiệp Dung Quất; Dung Quất sẽ là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu; là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng khu vực miền Trung và Tây Nguyên, và có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

Dự kiến một số mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội tại KKT Dung Quất theo quy hoạch mở rộng đến năm 2015 là: Tổng vốn đăng ký dự kiến đạt 13 - 15 tỷ USD; vốn thực hiện: 9 - 10 tỷ USD; trong đó công nghiệp nặng 90%, công nghiệp nhẹ 5%, dịch vụ: 4,5%, nông nghiệp 0,5%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 23- 25 ngàn lao động; thu ngân sách trên địa bàn khoảng 24- 25 ngàn tỷ đồng.

Với vai trò là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước, việc phát triển KKT Dung Quất vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Sự thành công bước đầu của KKT Dung Quất 15 năm qua là thành quả của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Đăng Lâm
(TTXVN tại Quảng Ngãi)