07:03 23/07/2025

Bulgaria triển khai vũ khí chống hạm hiện đại nhất NATO dọc Biển Đen, gửi thông điệp tới Nga

Trong khi Liên bang Nga hạ thủy chiếc đầu tiên trong lớp tàu tấn công đổ bộ mới Project 11711M “Kaiman”, Bulgaria lên kế hoạch triển khai tên lửa NSM ở Biển Đien, đánh dấu một bước tiến công nghệ lớn đối với nước này.

Chú thích ảnh
Tên lửa NSM được phóng từ một tàu chiến. Ảnh: General Dynamics

Kênh thông tin United24media cho biết vào ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã phê duyệt khả năng bán vũ khí quân sự cho Bulgaria, bao gồm Hệ thống Phòng thủ bờ biển tên lửa tấn công hải quân (NSM CDS), với tổng giá trị ước tính khoảng 620 triệu USD.

Thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trên biển của Bulgaria và cải thiện khả năng phối hợp tác chiến với các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đen.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thương vụ mua bán này hỗ trợ chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia của Myc "bằng cách cải thiện an ninh của một đồng minh NATO - lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và kinh tế ở châu Âu".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng việc chuyển giao hệ thống sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự khu vực và Bulgaria dự kiến sẽ tích hợp hệ thống này một cách dễ dàng.

Hệ thống NSM CDS – do công ty Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy phát triển – là một hệ thống tên lửa đất đối biển cơ động cao, có khả năng lập kế hoạch và thực hiện tới 48 cuộc tấn công tên lửa đồng thời. Hệ thống sử dụng các phương pháp định vị và điều phối tiên tiến như bắn loạt (salvo firing) và đồng bộ thời gian tấn công (synchronized time-on-target).

Bulgaria đã yêu cầu cung cấp hệ thống đầy đủ, bao gồm: Tên lửa chiến thuật NSM, tên lửa thật và tên lửa thử nghiệm; hệ thống liên lạc Link-16; xe điều khiển hỏa lực và xe phóng tên lửa; xe vận chuyển nạp đạn NSM; thiết bị thu tín hiệu GPS, hệ thống huấn luyện, phụ tùng thay thế và dịch vụ kỹ thuật cùng dịch vụ kèm theo.

Nhà thầu chính sẽ là Kongsberg, và nhân sự chính phủ và nhà thầu Mỹ sẽ lưu lại Bulgaria trong tối đa 5 năm để hỗ trợ triển khai và vận hành hệ thống.

Tên lửa NSM đánh dấu một bước tiến công nghệ lớn đối với Bulgaria, giúp thay thế các hệ thống tên lửa 4K51 Rubezh lỗi thời từ thời Liên Xô.

NSM cung cấp khả năng tấn công vượt đường chân trời (over-the-horizon) với tầm bắn vượt quá 185 km (và có thể đạt tới 555 km với các biến thể tương lai), đường bay tàng hình, bay bám biển, và khả năng tấn công chính xác vào cả mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền.

Tên lửa được dẫn đường bằng tổ hợp: định vị quán tính hỗ trợ GPS, định hình địa hình, và cảm biến hồng ngoại nhận diện mục tiêu tự động.

Với vị trí chiến lược trải dài gần 380 km bờ biển Biển Đen, Bulgaria giữ vai trò trọng yếu trong phòng tuyến phía Đông Nam của NATO.

Các cảng như Varna và Burgas rất quan trọng đối với thương mại, năng lượng và vận động quân sự, tuy nhiên, chúng vẫn dễ bị tổn thương trước chiến tranh điện tử, rải mìn và các mối đe dọa hải quân phi truyền thống.

Việc đưa vào hệ thống NSM hiện đại, cơ động và kết nối mạng giúp Bulgaria nâng cao khả năng răn đe và bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu, cũng như các tuyến hàng hải tuân theo Công ước Montreux.

Chú thích ảnh
Tên lửa tấn công hải quân NSM ở giai đoạn giữa của hành trình bay. Ảnh: Kongsberg Defence & Aerospace

Hệ thống NSM CDS bao gồm 3 thành phần chính là trung tâm điều khiển hỏa lực (FCC), đơn vị phóng tên lửa và radar theo dõi (tuỳ chọn).

Trung tâm FCC – dựa trên hệ thống điều khiển Kongsberg FDC – hỗ trợ tích hợp với các mạng dữ liệu chiến thuật NATO như Link 16, Link 11 và JREAP, giúp Bulgaria hoàn toàn tương thích với mạng chỉ huy – kiểm soát đồng minh.

Bản thân tên lửa là một vũ khí chính xác nặng 407 kg, có đầu đạn xuyên giáp nặng 120 kg với vỏ titan, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cứng trên biển và cả các cơ sở mặt đất. Với ngòi nổ lập trình và khả năng cơ động bay tiên tiến, nó rất khó bị đánh chặn.

NSM đã được các lực lượng Mỹ triển khai trong Hệ thống Ngăn chặn tàu của Hải quân – Thủy quân Lục chiến (NMESIS), cũng như được trang bị bởi Ba Lan, Romania và nhiều quốc gia NATO khác – trở thành nền tảng của phòng thủ ven biển hiện đại.

Thủy quân lục chiến Mỹ dự kiến sẽ triển khai hơn 260 đơn vị NMESIS vào năm 2033. Australia sẽ bắt đầu sản xuất trong nước từ năm 2027, và các đồng minh châu Âu như Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan đang xem xét các biến thể bổ sung, bao gồm tên lửa tấn công hợp nhất (JSM) phóng từ tàu ngầm.

Trước đó, có thông tin cho biết Liên bang Nga đã hạ thủy chiếc đầu tiên trong lớp tàu tấn công đổ bộ mới Project 11711M “Kaiman” nhằm bù đắp cho tổn thất nghiêm trọng ở Biển Đen – tuy nhiên, việc hạ thủy này được cho là mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất chiến đấu.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc