07:16 09/07/2014

Bức tranh kinh tế sáng sủa nhìn từ góc độ sản xuất

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 0,8 điểm phần trăm.

Qua nửa chặng đường thực hiện kế hoạch năm 2014, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng và chuyển biến dần qua các tháng. Cụ thể, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 0,8 điểm phần trăm. Đặc biệt, chỉ số tồn kho sản phẩm duy trì ở mức bình thường, đây là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi và phát triển của toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tiêu thụ tăng, tồn kho giảm

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong mức tăng chung của toàn ngành, ngành chế biến, chế tạo đóng góp lớn nhất với 5,5 điểm phần trăm, cho thấy sản xuất trong nước vẫn duy trì sự tăng trưởng và phát triển.

Những sản phẩm công nghiệp chế biến có chỉ số sản xuất tăng cao trên 10% chủ yếu vẫn là ngành hàng linh kiện điện tử, dệt may, sản xuất da, giày dép, sản xuất xe có động cơ, máy biến thế, đóng tàu… Trong khi đó, các ngành như dệt may, giày dép, linh kiện điện tử và máy tính, điện thoại di động…sản xuất tương đối thuận lợi do có thị trường xuất khẩu và đơn hàng ổn định từ đầu năm.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch. Ảnh: Báo Công Thương


Điểm nổi bật của sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm là chỉ số tiêu thụ của nhiều mặt hàng đã tăng cao, trong khi tồn kho giảm đáng kể. Đơn cử, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2014 đã có chỉ số tiêu thụ tăng tới 9%, so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 62,2%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,4%, thiết bị điện tăng 16,5%, sản xuất xe có động cơ tăng 13,9%...

Phân tích về chỉ số toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 5 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ là dấu hiệu cho thấy: cầu sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trở lại, sản xuất phát triển ổn định và giảm tồn kho.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi một số đối tượng lợi dụng tình hình căng thẳng tại Biển Đông, có hành vi quá khích, vi phạm pháp luật, gây rối ở một số doanh nghiệp FDI tại Hà Tĩnh, Bình Dương, khiến tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp bị chậm lại. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương, tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, trước đó, để chủ động nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp trước những căng thẳng về tình hình biển Đông, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Các ngành da giày, điện tử và linh kiện điện tử cũng được khuyến cáo chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để tránh phụ thuộc.

Đồng bộ các giải pháp

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Tiến Vỵ dự báo, sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng, nhưng không cao, ước cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 6% - 6,5%.

Theo đó, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất là dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho việc hoàn thành các đơn hàng đã được ký kết. Bước vào mùa hè, là thời điểm nhiều sản phẩm như thiết bị điện, điện lạnh, đồ uống… có mức tiêu thụ tăng kéo theo sản xuất sẽ tăng lên. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu từng bước đã phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho. Đặc biệt, các nhóm hàng như dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng lên… là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển. Một yếu tố quan trọng khác là thị trường bất động sản có sự phục hồi sẽ kéo theo sản xuất của các ngành công nghiệp có liên quan như thép, xi măng, vật liệu xây dựng… phát triển.

May hàng xuất khẩu. Ảnh: TTXVN


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, để hoàn thành các mục tiêu của năm 2014, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường; khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Ngoài việc cần huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế là điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng… Mặt khác, x ây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, vật tư nông nghiệp, hóa chất, chế tạo… nhằm thay thế hàng nhập khẩu.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là để đảm bảo ổn định sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất, người đứng đầu ngành công thương chỉ đạo. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cân đối, đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao cho các nhà máy điện tuabin khí; đồng thời ưu tiên sử dụng khí cho phát điện theo kế hoạch huy động của Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Đối với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ và liên tục cho các nhà máy điện than miền Bắc để đảm bảo phát điện tối đa trong các tháng cao điểm mùa khô.


Quang Toàn