12:08 16/12/2012

Bức tranh "họa đồ" Xứ Nghệ biến dạng từng ngày

Đặt chân đến Hoàng Mai, huyện cửa ngõ của tỉnh Nghệ An vào giữa trưa, chúng tôi đã thấy khung cảnh mịt mù sương khói do bụi khai thác đá và do những đoàn xe chở vật liệu xây dựng tuôn ra...

Đặt chân đến Hoàng Mai, huyện cửa ngõ của tỉnh Nghệ An vào giữa trưa, chúng tôi đã thấy khung cảnh mịt mù sương khói do bụi khai thác đá và do những đoàn xe chở vật liệu xây dựng tuôn ra. Nhiều đoạn lái xe buộc phải bật đèn dò đường, đồng thời báo hiệu cho những "hung thần" chở khoáng sản thương tình tránh né.


Tiềm năng song hành "tai họa"


Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 vùng mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, 171 điểm quặng và đá vôi, trong đó có một số kim loại quý như vàng, thiếc, sắt. Đặc biệt là các loại đá quý như hồng ngọc, bích ngọc...


Hiện tại vấn đề nổi cộm đang làm đau đầu các nhà quản lý ở Nghệ An đó là tình trạng khai thác vàng có giấy phép và không có giấy phép ngày một lan tràn ở khu vực phía tây của tỉnh, cả dưới lòng sông Lam đến núi đồi, nương ruộng thuộc địa bàn các huyện: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Cụ thể như tại Tương Dương có đến 15 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó 11 doanh nghiệp khai thác 14 điểm mỏ vàng.

Tìm nạn nhân của vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh : Nguyễn Văn Nhật-TTXVN


Còn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp quy tụ tới 1.000 lao động ngày đêm "khoét núi ngủ hầm" khai thác trên 50 điểm khoáng sản theo kiểu hầm lò, chủ yếu là quặng thiếc, đã và đang gây bức bối về môi trường và sinh kế của người dân địa phương. Không ít diện tích ruộng bậc thang của người dân các xã Suối Bắc, Châu Thành, Châu Tiến, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn biến thành "chiến trường khai thác quặng", sau khi họ được doanh nghiệp đền bù cho hộ ít thì vài triệu đồng, hộ nhiều nhất 2-3 chục triệu đồng; số ruộng nước ít ỏi của bà con cũng bị mất dần do bùn thải khai thác khoáng sản xả xuống.


Khi được hỏi về khai thác khoáng sản có mang lại lợi ích gì cho người dân địa phương? Bà Vi Thị Thống ở thôn Tiến Thành, xã Châu Thành, than: "Nỏ thấy chi cả, chỉ suốt ngày lo lở núi, tránh đá rơi do nổ mìn. Tiền đền bù thu hồi đất ruộng nương ăn hết rồi, giờ không biết làm chi để sống đây!". Để tồn tại, nhiều lao động ở đây buộc phải phá rừng làm rẫy hoặc đầu quân làm "quặng tặc", số hộ nghèo hoặc tái nghèo ở những xã này đang trên đà gia tăng. Riêng ở xã Châu Thành, tỷ lệ hộ nghèo từ 40% hiện tăng lên 51%.


Cũng do khai thác khoáng sản theo kiểu hầm lò cộng với nổ mìn, tuyển quặng bằng cách dùng vòi nước bắn tỉa nên nguy cơ sập hầm, tai nạn lao động luôn rình rập đối với người lao động. Gần đây nhất là vụ sập hầm khai thác vàng xảy ra trưa 17/7 ở bản Vong Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương làm chết tại chỗ 3 người, bị thương 7 người. Những người bị nạn là người dân địa phương và một số từ huyện Thanh Chương đến. Tất cả những người bị nạn đều đang khai thác vàng trái phép, bất chấp cảnh báo trước đó của chính quyền địa phương.


Ngoài các loại khoáng sản vàng, thiếc, sắt, mangan, titan, bauxit... Nghệ An còn có trữ lượng cực lớn về đá xây dựng, trong đó đáng kể là đá trắng Quỳ Hợp, đá bazan, đá đen và đặc biệt là nguồn đá vôi có trữ lượng lên tới 1 tỷ m3. Song do việc cấp giấy phép khai thác ồ ạt, cộng với công tác quản lý lỏng lẻo nên việc khai thác đã trở thành "đại họa" tại địa phương.


Ngoài những dãy núi, đồi bị đập phá nham nhở, sông suối trở thành nơi chất chứa các loại rác thải, những vụ đá lăn, núi lở gây chết người thường xuyên xảy ra. Đơn cử như vụ sập vỉa đá tại mỏ Lèn Cờ ngày 1/4/2011 ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, đè chết 18 người, làm 6 người bị thương, là minh chứng về sự khai thác khoáng sản bất chấp quy trình kỹ thuật theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" của các doanh nghiệp ở địa phương.


Lập lại trật tự kỷ cương còn nan giải


Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội: Việc cấp phép khai thác khoáng sản được Chính phủ phân cấp cho địa phương là một chủ trương đúng. Nhưng do không tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên nên đã tạo cho một số tỉnh, thành phố cấp phép thiếu nghiêm ngặt, thậm chí trái quy định của pháp luật, chồng chéo lên quy hoạch của Trung ương. Chỉ kiểm tra 15 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì cả 15 doanh nghiệp đều không có đủ điều kiện pháp lý, trong đó có 11 doanh nghiệp vi phạm các quy định về đất đai. Có tới hơn 100 điểm mỏ của 103 doanh nghiệp không hề thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường, nhưng tỉnh vẫn cho tiến hành khai thác...


Từ năm 2003 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiến nghị phải thu hồi 69 giấy phép khai thác khoáng sản, song vẫn còn 41 điểm mỏ hoạt động. Điều này chứng tỏ tỉnh thiếu cương quyết, có phần né tránh trong xử lý vi phạm nên dẫn tới các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm, bất chấp các quy định của Nhà nước.


Tỉnh Nghệ An đã có những động thái nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong khai thác khoáng sản. Cụ thể là ngày 25/7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 2636 thành lập hai đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Sau hơn một năm tiến hành kiểm tra, hai đoàn công tác đã phát hiện và kiến nghị khắc phục 538 trường hợp vi phạm, sai sót trong quá trình cấp phép. Đồng thời yêu cầu chấn chỉnh lại hoạt động của 25 điểm mỏ nguy cơ mất an toàn lao động cao; phát hiện 222 vụ vi phạm, xử lý hành chính 209 vụ, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 2 vụ, xử phạt và tịch thu tang vật nộp Kho bạc Nhà nước trên 15 tỷ đồng. Mặt khác, lực lượng công an làm nòng cốt đã truy quét 1.600 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, bước đầu lập lại trật tự khai thác khoáng sản tại 40 xã.


Song UBND tỉnh cũng thừa nhận việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn vẫn còn nhiều thiếu sót, nhất là công tác đấu tranh, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do đó, UBND tỉnh sẽ quyết định nhập hai đoàn công tác thành một đoàn nhằm phối hợp với các huyện chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý những điểm nóng về khai thác và chế biến khoáng sản, cũng như chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác này để tham mưu cho tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhưng với 327 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chưa kể nạn "khoáng tặc" vẫn hoành hành dữ dội ở các vùng xa xôi hẻo lánh, nên việc lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác, chế biến tại "vương quốc khoáng sản" không thể là công việc một sớm một chiều.



Văn Hào - Thu Trang