09:06 02/09/2021

Bữa sáng 5.000 đồng của ‘ông chủ’ kho ý tưởng từ thiện

Nguyễn Bá Lương (sinh năm 1980) xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội tự nhận mình là “người nhà quê” với bữa sáng luôn chỉ là củ khoai, bắp ngô hay cơm chay đạm bạc. Chi phí cho cá nhân tối giản nhưng Lương cùng các cộng sự của mình đã góp công, góp của để đem tới hàng vạn suất quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội trong đại dịch COVID-19 căng thẳng này.

Chú thích ảnh
Một điểm đặt thùng quà miễn phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ảnh: Cho là Nhận.

“Ấm bụng”, bà con yên tâm giãn cách

Một bát cơm trắng, trên phủ chút muối lạc – suất ăn trị giá chỉ khoảng 5.000 đồng là hình ảnh quen thuộc của Lương khi bạn bè nhắc về anh. Lương là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở ngoại thành Hà Nội, có lối sống giản dị, không đặt nhu cầu quá nhiều cho bản thân. “Thế nhưng, mỗi lần chứng kiến hoàn cảnh thương tâm, người lao động nghèo, người yếu thế bị thiếu ăn, tôi cứ bần thần, hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi”, anh Nguyễn Bá Lương trải lòng.

Chú thích ảnh
“Cho là Nhận” phối hợp với cảnh sát khu vực hỗ trợ xác minh và trao tặng quà cho 100 thợ xây ngoại tỉnh và lao động khó khăn tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Ảnh: Cho là Nhận.

Ngày đầu tiên (ngày 24/7), Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND về giãn cách xã hội toàn thành phố, Lương rất trăn trở về cuộc sống của những người lao động tự do, người vô gia cư, sinh viên các tỉnh bị mắc kẹt tại Hà Nội, các gia đình có con nhỏ nhưng trụ cột đều bị mất việc do dịch… Nghĩ là làm, Lương đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội để xin ý kiến anh em, bạn bè, những người đã đồng hành cùng anh trong các dự án thiện nguyện từ nhiều năm. 

Chú thích ảnh
Bữa sáng cơm trắng muối vừng của ‘ông chủ’ kho ý tưởng từ thiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chỉ vài ngày sau, cộng đồng mạng đã nhìn thấy chiếc thùng mica đựng mì tôm, bánh mỳ với dòng chữ “Bạn cần cứ lấy một phần/Bạn ổn xin nhường cho người  khác” được đặt ở đầu phố Trần Hưng Đạo và một số địa điểm khác tại Hà Nội. Nhóm “Cho là Nhận” cũng hình thành từ đó, là nơi đón các tấm lòng hảo tâm; đồng thời nhận và đáp ứng mọi lời khẩn cầu hỗ trợ của người dân trên địa bàn. 

Người “Có” thì hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm hoặc góp công; người khó khăn được “Nhận” phần quà lương thực. Ngay sau khi nhóm thiện nguyện hình thành, một số điểm phát đồ ăn miễn phí nữa nhanh chóng xuất hiện tại Thủ đô để trao tặng lương thực, thực phẩm cho những người nghèo, người vô gia cư. Nhóm còn nấu những suất cơm dành cho bệnh nhân và cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Hà Nội (bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội trong đợt này phải cách ly y tế)... 

Chú thích ảnh
Mô hình Thư viện Dương Liễu hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: TVDL.

Theo anh Nguyễn Bá Lương, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách đến nay, “Cho là Nhận” đã nhận được nhiều đóng góp của các nhà hảo tâm cùng như các thành viên trên trang Fanpage “Cho là Nhận” với tổng số tiền hơn 550 triệu đồng, chưa gồm các đồ hiện vật, lương thực, thực phẩm. Từ ngân sách và chung tay của mọi người, “Cho là Nhận” đã trao tặng hơn chục nghìn suất quà, bữa ăn nhỏ cho những người bị ảnh hưởng cuộc sống, bị mất việc bởi COVID-19.

Hết đợt giãn cách đầu, sang giai đoạn kéo dài giãn cách xã hội tại Hà Nội, cứ khi nào quỹ của nhóm sắp cạn, Lương và nhóm anh em lại nhận được sự ủng hộ của nhiều người, người tặng tạ rau, tạ gạo, người đảm đương nấu tặng hàng trăm gói xôi, suất bánh mỳ, chai nước để đi phát cho những người yếu thế. Để gây quỹ, các thành viên trong nhóm còn tổ chức bán đấu giá trực tuyến những vật dụng cá nhân quý để tiếp tục công việc thiện nguyện.

Chú thích ảnh
Chương trình đấu giá gây quỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Làm được nhiều, nhưng khi nói về mình, Lương rất kiệm lời, chỉ bày tỏ niềm tự hào khi có đông đảo anh em, bạn bè tín nhiệm, ủng hộ. Những thành viên hoạt động thiện nguyện với Lương cả chục năm nay, họ cũng chỉ chia sẻ ngắn gọn về tình cảm yêu mến chân thành, tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt có cùng trái tim đồng cảm thương yêu người nghèo. Với họ, hoạt động thiện nguyện được xem là nhân duyên, là nghiệp thiện lành, là tạo phước. Họ quan niệm: Cho, bản chất cũng là Nhận!

           “Cho đi chính là sẽ Nhận về
             Cho đi nụ cười sẽ nhận lại niềm vui
             Cho đi tình yêu sẽ nhận lại hạnh phúc
             Cho đi là một hành động vị tha giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, để chính chúng ta sẽ Nhận về sự thanh thản, ấm áp trong tâm hồn”.

Khởi xướng nhiều dự án để hiện thực ước mơ

Chú thích ảnh
3 điểm trường mới được hoàn thành thi công trong 15 ngày tại tỉnh Sơn La. Ảnh: NTUM.

Có lẽ hoạt động từ thiện đã ngấm trong Lương từ thủa bé. Anh kể: “Hồi bé được cha mẹ dẫn đi ăn phở, tôi đã ước mơ, nếu bát phở này được quy ra tiền, thì chắc có hàng chục người sẽ được ăn sáng ấm bụng. Sau này đi làm ăn, công tác, du lịch nhiều nơi, chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn…. cứ thế, hết dự án thiện nguyện này đến dự án hỗ trợ khác ra đời”.

Trong con mắt bạn bè, Nguyễn Bá Lương được ví là người có “hàng kho” ý tưởng và thực tế đã tổ chức thành công các chương trình thiện nguyện thu hút đông đảo mọi người tham gia, duy trì đến nay các hoạt động giúp cộng đồng như: Thư viện Dương Liễu (giúp các em nhỏ ngoại thành có không gian văn hóa đọc sách, tham gia các trò chơi lành mạnh); Ngôi trường ước mơ (xây hàng trăm trường học cho trẻ em vùng cao); Cầu ước mơ (xây cầu cho các điểm dân cư vùng khó); tổ chức thành công Phiên chợ 0 đồng tại Hà Nội...

Chú thích ảnh
“Cây cầu ước mơ” được hình thành để gửi tặng bà con bản Xủa và bản Na Hồ bên dòng sông Luồng, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cầu Ước Mơ.

Là người con của xã Dương Liễu, năm 2013, Nguyễn Bá Lương đứng ra sáng lập Thư viện Dương Liễu, mô hình thư viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam, hoạt động vì cộng đồng phi lợi nhuận, có giấy phép hoạt động.

“Vốn mê đọc sách và hiểu giá trị của sách đối với hình thành nhân cách của trẻ em, tôi đã bàn với bạn bè thành lập một thư viện để giúp trẻ em trong làng tiếp xúc văn hóa lành mạnh. Khi mới mở cửa, thư viện chỉ có 300 đầu sách. Tôi cùng bạn bè tình nguyện viên phải đi quyên góp qua một số nhà hảo tâm và qua mạng xã hội; đồng thời vận động người dân trong xã đưa con em tới đọc sách”, anh Nguyễn Bá Lương chia sẻ.  

Sau đó, vì bận công việc kinh doanh, Lương đã bàn giao cho người khác tiếp quản. Đến nay, Thư viện Dương Liễu vẫn duy trì hoạt động rất hiệu quả. Sau 8 năm hoạt động, thư viện hiện có gần 7.400 đầu sách; hơn 2.300 độc giả; 9.000 lượt mượn/năm; 70 sự kiện được tổ chức… 

Không chỉ là nơi tạo không gian, truyền cảm ứng văn hóa đọc sách, các tình nguyện viên của thư viện còn tổ chức rất nhiều hoạt động như: Thi cờ vua cho các em nhỏ; gói bánh trưng ngày Tết tặng các cụ già; tặng bánh trưng cho các hoàn cảnh khó khăn; kết hợp tổ chức khác để các em nhỏ có cơ hội giao lưu học hỏi tiếng Anh với người nước ngoài…

Chuỗi sự kiện ý nghĩa mang tên “Dương Liễu xanh không rác” kết hợp cùng Let’s Do It, Canon Vietnam, Trường THCS Dương Liễu được tổ chức từ năm 2018 nhằm hưởng ứng ngày Thế giới dọn rác hàng năm; quyên góp ủng hộ miền Trung, sách vở, nhu yếu phẩm khi có đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020.

Với những đóng góp hiệu quả, Thư viện Dương Liễu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì có thành tích trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng. Năm 2018, đại diện thư viện Dương Liễu vinh dự được gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và được nhiều người đánh giá là một trong những thư viện tư nhân hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Đề cập về Dự án thiện nguyện “Ngôi trường ước mơ”, Nguyễn Bá Lương kể: “Trong những lần đi công tác, tham gia các chương trình thiện nguyện khác nhau, chứng kiến trẻ em ở vùng sâu học trong lớp học tạm bợ như túp lều, đầy rẫy nguy hiểm… tôi đã trăn trở rất nhiều”. 

Không chần chừ, Lương lập Fanpage “Ngôi trường ước mơ” để mọi người chung tay chia sẻ kế hoạch xây trường học cho trẻ em vùng cao. Sau 7 năm hoạt động đến nay, các thành viên nhóm thiện nguyện “Ngôi trường ước mơ” cùng các nhà hảo tâm đã quyên góp tiền xây dựng được gần 100 điểm trường tại nhiều bản làng xa xôi như: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái… để các em có lớp học khang trang, an toàn. Hiện, Trưởng nhóm “Ngôi trường ước mơ” là anh Nguyễn Trường Thành. Sau khi Lương bàn giao, Nguyễn Trường Thành hiện tiếp quản, duy trì dự án này được 4 năm nay.

Trong quá trình thi công các điểm trường, công việc khó khăn nhất mà mọi người tham gia Dự án “Ngôi trường ước mơ” phải đối mặt là hoạt động vận chuyển vật liệu lên bản làng, đặc biệt vào mùa mưa, đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của chính quyền, bà con bản làng, đoàn thanh niên, “Ngôi trường ước mơ” đã xuất hiện ngày càng nhiều tại vùng sâu, vùng xa. 

“Năm 2015, dự án ‘Tết 0 đồng’ cũng được Lương đưa vào triển khai ‘thần tốc’ trong khi chỉ 4 - 5 ngày nữa là ngày Tết. Kế hoạch ban đầu chỉ mở một gian hàng chợ quê cho người lao động nghèo. Thế nhưng, chỉ trong vài ngày, chương trình đã xin được kính phí 1 tỷ đồng để mua nhu yếu phẩm nên phiên chợ diễn ra tại Công viên Thống Nhất với mấy chục gian hàng”, chị Đỗ Thị Thanh Hà, tình nguyện viên, hiện cũng là trưởng một nhóm thiện nguyện chia sẻ.

“Phiên chợ Tết 0 đồng” năm đó đã thu hút khoảng 2.000 người tham gia, phần lớn là các bệnh nhân đang chữa trị những căn bệnh nan y tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội; người lao động tự do khó khăn. Mỗi người đi chợ được mua tối đa 10 sản phẩm, mỗi sản phẩm trị giá 50.000 đồng gồm các mặt hàng như: Giò chả, bánh trưng, miến, bánh kẹo, rượu… nhưng hoàn toàn không phải trả tiền.

“Ngay khi thành lập ‘Ngôi trường ước mơ’, tôi lại nghĩ đến ý tưởng về một dự án khác. Ấp ủ của tôi từ rất lâu là dự án xây cầu nhưng lo gặp nhiều trở ngại về nguồn tài chính lớn, thủ tục pháp lý phức tạp; những người đồng hành …”, anh Lương nhớ lại.

Và rồi, sau dự án “Ngôi trường ước mơ” thì “Cầu ước mơ” được hình thành để nối những "đôi bờ" ngăn cách bởi những con sông dữ, những dòng thác lũ, những con đường đến lớp của các em vùng biên cương hay giữa những vùng núi rừng sâu thẳm. Nhờ có "người đồng chí hướng" - đảm bảo kinh phí cho dự án, ngày 30/08/2017, dự án “Cầu ước mơ” chính thức được thành lập. Quỹ xây cầu vẫn nằm dưới sự điều hành chung của “Ngôi trường ước mơ”.

Theo anh Nguyễn Bá Lương, “Cầu ước mơ” là chương trình làm cầu từ thiện bắc qua các khe sông suối vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 8/2020, sau hơn 3 năm, “Cầu ước mơ” thứ nhất đã hoàn thành với tổng số tiền ủng hộ qua tài khoản hơn 381 triệu đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cầu là 350 triệu đồng, số tiền còn lại đã đưa vào dự án xây nhà giáo viên có tổng kinh phí là 100 triệu đồng… Hiện dự án “Cầu ước mơ” được giao trưởng nhóm Đỗ Thị Thanh Hà tiếp quản, tiếp tục nối những đôi bờ ước mơ vươn xa của trẻ em và người dân vùng khó.

Còn Nguyễn Bá Lương - “ông chủ” của “kho ý tưởng thiện nguyện” lại tiếp tục ấp ủ những ước mơ đem đến niềm vui, sự ấm áp cho những mảnh đời khó khăn.

Chú thích ảnh
Minh Phương/Báo Tin tức