05:22 30/05/2016

Bữa ăn ca, mối lo mất an toàn thực phẩm

Việc nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn trưa (bữa ăn ca) nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân, đã được đưa vào Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay còn nhiều dang dở, mối lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của người lao động trên cả nước vẫn đang là một câu chuyện dài được xã hội rất quan tâm…

Liên tiếp xảy ra ngộ độc tập thể

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Bên cạnh nhiều khó khăn mà người công nhân phải đối mặt như thu nhập, giờ làm việc, chế độ bảo hiểm… tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn tập thể đang diễn ra trong những năm gần đây gây nhiều lo lắng trong dư luận xã hội. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn lao động phải nhập viện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ ngộ độc thực phẩm đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn quốc. Chỉ tính riêng quý I/2016, cả nước ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 900 người nguy kịch, gây tử vong 2 người, trong đó có tới 8 vụ xảy ra từ các bếp ăn tập thể.

Công nhân bị ngộ độc sau bữa ăn ca tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang) đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện tỉnh. Ảnh: Việt Hùng - TTXVN

Những con số nêu trên đủ để cho hàng triệu công nhân trên cả nước phải “giật mình” lo lắng cho sức khỏe của bản thân, nhưng đó cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Chị Phan Minh Lý, làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Bắc Giang, nơi vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể cách đây gần 2 tháng khiến 60 công nhân nguy kịch, cho biết, chị và tất cả công nhân cùng làm việc ở đây đều lo lắng hàng ngày mình phải ăn thực phẩm không đảm bảo, nhưng cũng chỉ biết im lặng vì muốn duy trì công việc. “Nhiều nơi đã nghỉ việc tập thể để phản đối nhưng rồi có khác được đâu. Chúng tôi không có bằng cấp, trình độ, nên xin việc đâu có dễ, ở chỗ khác cũng thế thôi”, chị Lý tâm sự.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn khẳng định, kết quả khảo sát trước năm 2016 cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp trên toàn quốc chưa thực hiện tốt việc cung cấp bữa ăn ca cho người lao động. Nhiều công ty tư nhân do muốn tiết kiệm chi phí nên chỉ định giá mỗi suất ăn cho công nhân trung bình là 10.000 đồng/bữa, sức khỏe của công nhân không được đảm bảo, dễ dẫn đến kiệt sức trong quá trình làm việc.

Chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe công nhân

Theo khảo sát của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến người lao động, có tới 70% nguyên nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% đến từ điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.

Các nhà khoa học khẳng định, nhiều trường hợp các vụ ngộ độc xảy ra là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không tốt, dẫn đến nhiễm vi sinh. Một bộ phận cơ sở chế biến buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn... Các nhà quản lý phân tích rằng, mọi nguyên nhân, cuối cùng đều hướng đến lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp và các đơn vị trung gian.

Trong số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, không ít nơi chọn cách ký hợp đồng với một đơn vị độc lập bên ngoài để cung cấp thức ăn nấu sẵn cho công nhân. Với cách làm này, công ty sẽ “rảnh rang” hơn nhưng lại không thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm. Các cơ sở chế biến bên ngoài thường chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng nhập nguyên liệu bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn cho công nhân. Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc gây hậu quả đau lòng. Nhiều vụ ngộ độc sau khi xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện ra hàng tấn thực phẩm ôi thiu được đưa vào bữa ăn của công nhân nhiều năm mà chưa được phát hiện.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp luôn tiềm ẩn do nguồn nông, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 60 - 65% nhu cầu tiêu thụ, 35 - 40% còn lại phụ thuộc vào nguồn từ bên ngoài đưa vào. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc thực phẩm.


Đỗ Bình