02:09 16/02/2021

Brazil đã đánh cược thuốc chưa kiểm chứng để điều trị COVID-19 như thế nào?

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ lâu đã có niềm tin tuyệt đối vào các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, bao gồm chloroquine và hydroxychloroquine, để chữa bệnh COVID-19, bất chấp nhiều nghiên cứu cho thấy chúng không thực sự có hiệu quả.

Chú thích ảnh
Viên nén hydroxychloroquine tại một hiệu thuốc. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), các tài liệu cho thấy Chính phủ Brazil đã chi ngân sách khẩn cấp cho hai loại thuốc chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị bệnh COVID-19, dù được chứng minh không có hiệu quả. Nước này cũng tiếp tục sản xuất và phân phối thuốc với tỉ lệ chưa từng có trong suốt năm 2020. Trong khi đó, Brazil đã từ chối ít nhất một đề nghị mua vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vì các điều khoản “lạm dụng”.

Ông Bolsonaro hôm 7/7/2020 tuyên bố rằng ông đã mắc COVID-19 và dùng hydroxychloroquine để điều trị. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, vị tổng thống nói rằng ông đã uống hai liều hydroxychloroquine đầu tiên, kết hợp với kháng sinh azithromycin và cảm thấy khỏe hơn gần như ngay lập tức. Ông Bolsonaro cho biết điều duy nhất khiến ông cảm thấy hối tiếc là không uống loại thuốc này sớm hơn.

“Nếu tôi uống hydroxychloroquine để phòng bệnh COVID-19, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc thay vì đi cách ly như hiện nay”, nhà lãnh đạo Brazil chia sẻ hồi tháng 7/2020.

Hydroxychloroquine, loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh sốt rét, đã được chứng minh không thực sự có hiệu quả đối với bệnh COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã dừng một thử nghiệm lớn với hydroxychloroquine.  

Vào tuần trước, Tổng thống Bolsonaro cũng đã thừa nhận rằng ông có thể sai và những loại thuốc này có thể không có bất kỳ tác dụng nào với virus SARS-CoV-2. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: CNN

Trước đó, Chính phủ của ông Bolsonaro đã tích cực sử dụng các quỹ khẩn cấp ứng phó với đại dịch COVID-19 để mua và phân phối các loại thuốc này ngay cả khi chúng đã được chứng minh không có hiệu quả.

Hồi tháng 5/2020, Bộ Y tế Brazil đã chính thức khuyến nghị dùng chloroquine để điều trị sớm cho bệnh nhân COVID-19. Đến tháng 6, bộ đã mở rộng khuyến cáo cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Nhưng cùng thời điểm này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với hydroxychloroquine và thu thập bằng chứng cho thấy loại thuốc này không hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoặc chữa khỏi COVID-19.

Theo số liệu thu được, đơn vị dược phẩm thuộc quân đội Brazil đã sản xuất tổng cộng 3,23 triệu viên thuốc hydroxychloroquine vào năm 2020. Trong khi đó, vào năm 2017, họ chỉ sản xuất 265.000 viên và không sản xuất loại thuốc này trong năm 2018 hoặc 2019.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Y tế cho thấy số trường hợp mắc bệnh sốt rét trong 6 tháng đầu năm 2020 tại Brazil là 60.713 ca, thấp hơn 16% so với nửa đầu năm 2019.

Các tài liệu cũng cho thấy từ tháng 4 đến tháng 8/2020, Văn phòng Điều phối Dược phẩm của Bộ Y tế đã yêu cầu phòng thí nghiệm dược phẩm của quân đội phân phối 1,5 triệu viên chloroquine cho các cơ quan y tế nhà nước. Theo đó, việc phân phối nhằm mục đích "chống lại đại dịch COVID-19". Những viên thuốc được phân phối dựa trên số trường hợp nghi nhiễm ở mỗi bang.

Việc phân phối tiếp tục được thực hiện trong nửa cuối năm 2020, ngay cả sau khi FDA đã thu hồi giấy phép sử dụng khẩn cấp và một số nghiên cứu đã kết luận chloroquine và hydroxychloroquine không có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19. Quân đội cũng cho biết từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, họ đã phân phối 420.000 liều hydroxychloroquine.

Một hợp đồng cho thấy vào tháng 9/2020, quân đội đã chi 144.000 USD cho nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất chloroquine, cao hơn 167% so với giá trị thị trường. Giao dịch này được cho là rất đáng ngờ. Trong một tuyên bố, quân đội nói rằng giá nguyên liệu đã tăng do biến động tỉ giá hối đoái và sự gia tăng nhu cầu quốc tế.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện ở Manaus, bang Amazon, vào tháng 1. Ảnh: CNN

Cùng thời điểm này, Brazil đã nhận được một lá thư từ ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer. Ông Bourla đã thúc đẩy nước này ký hợp đồng mua 70 triệu liều vaccine COVID-19. Bức thư đã được gửi tới Tổng thống Bolsonaro và một số bộ trưởng trong nội các vào hôm 12/9/2020, khi số người tử vong vì COVID-19 ở Brazil cao thứ hai trên thế giới, với 131.000 người và số trường hợp mắc bệnh lên tới 4,3 triệu người.

Lúc này, vaccine cũng Pfizer đang hoàn tất thử nghiệm giai đoạn cuối. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Pfizer đã không đi đến thỏa thuận cuối cùng. Vào tháng trước, tin tức về bức thư đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong bối cảnh Chính phủ Brazil đang triển khai chương trình vaccine đầy hỗn loạn. 

Bộ Y tế Brazil cho biết các điều khoản của thoả thuận, bao gồm một ràng buộc nêu rõ Pfizer sẽ không phải chịu trách nhiệm về các tác dụng phụ tiêu cực của vaccine, là “lạm dụng”. Bộ cho biết điều này rất “tắc trách”. Họ cũng lo ngại số lượng vaccine ít ỏi được chuyển đến trong lô đầu tiên không đủ phân phối cho người dân. Tuy nhiên, giới chức cho biết thêm họ vẫn đang tiếp tục đàm phán với nhà sản xuất. 

Trong khi đó, Pfizer đã từ chối yêu cầu bình luận về sự việc.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều lần trì hoãn, Brazil cuối cùng đã khởi động chương trình tiêm chủng toàn quốc từ hôm 18/1. Chương tình bắt đầu với chỉ 6 triệu liều cho dân số trên 210 triệu người.

Chính phủ của ông Bolsonaro đã đặt cược vào vaccine Oxford/AstraZeneca làm trọng tâm trong chương trình tiêm chủng của mình. Nhưng do sự chậm trễ, cuối cùng họ đã chuyển sang sử dụng CoronaVac, loại vaccine do Trung Quốc phát triển và được thử nghiệm ở Brazil.

Cho đến nay, 2,2% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên trong chế độ hai liều theo yêu cầu của cả vaccine CoronaVac và Oxford/AstraZeneca.

Tuy nhiên, ngay cả khi giới chức bắt đầu triển khai tiêm chủng vào tháng 1, Chính phủ Brazil vẫn tiếp tục quảng bá chloroquine là một phương pháp “điều trị sớm”.

Khi được hỏi tại sao bộ vẫn khuyến cáo sử dụng loại thuốc này, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello nói rằng ông chưa từng khuyến nghị một loại thuốc cụ thể nào. 

"Chúng tôi khuyến nghị và định hướng người bệnh đến cơ sở y tế, gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng cho bệnh nhân. Song, bác sĩ kê đơn thuốc gì, đó là chuyện riêng của họ với bệnh nhân", ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức