10:15 01/10/2015

“Bóng hồng” bám biển vươn khơi

Là người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng bà Phạm Thị Thanh, 54 tuổi, (thôn 6, xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn quyết tâm bám biển, lên thuyền ra khơi đánh cá, một phần vì cuộc sống mưu sinh, phần khác là vì tình yêu với biển cả quê hương.


Tờ mờ sáng, bên bãi biển thuộc địa phận xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, các thuyền đánh cá trong đêm lần lượt cập bến. Một người phụ nữ nhỏ nhắn có nước da bánh mật, nhảy xuống bãi cát, nhanh nhẹn kéo sợi dây thừng to, cố định chiếc thuyền. Sau đó, chị lại thoăn thoắt leo lên thuyền để chuẩn bị cho buổi chợ sớm ngay trên bờ biển.

Phụ nữ có những lợi thế nhất định khi đi biển đánh cá.

- “Ở đây, chỉ có mỗi “bà” Thanh này là đàn bà mà xông pha biển cả như đàn ông thôi”, một số tiểu thương kinh doanh cá tại chợ ven biển cho biết.

Thay chồng gánh vác gia đình

Bắt đầu lênh đênh trên biển đánh cá từ năm 40 tuổi, đến nay, bà Thanh đã gần 14 năm gắn bó với nghề. Phụ nữ lên thuyền ra biển đánh cá có nhiều hạn chế, tuy nhiên cũng có những lợi thế nhất định. “Các công việc như gỡ con tôm, con cá đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn của bàn tay người phụ nữ, hay những công việc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp các vật dụng trên thuyền cũng vậy”, anh Đinh Văn Thái, chồng bà Thanh cho biết.

Ban đầu bà Thanh chỉ làm những công việc quen thuộc của phụ nữ làng chài như khâu vá lưới, cào ngao, cào hến… Về sau cả gia đình với 8 miệng ăn, chồng lại thường xuyên đau ốm nên bà Thanh quyết định thay chồng ra khơi. “Bám biển ngày đêm cũng chỉ lo miếng cơm manh áo, mong con cái được học hành đầy đủ, nên người”, bà Thanh chia sẻ.

Là khách quen, chuyên lấy cá của thuyền bà Thanh, anh Lê Khắc Ngọc (Hoằng Đạt, Hoằng Hóa) cho biết, hoàn cảnh gia đình bà Thanh ai cũng biết, vì vậy rất ngưỡng mộ nghị lực vươn lên trong cuộc sống, một tay chăm lo cho cả gia đình. Nhiều khi, dù vừa ra khơi về mệt, nhưng nếu có khách hàng kỳ kèo trả giá thì bà cũng vẫn ôn hòa giải thích cho mọi người hiểu tại sao hôm nay giá cao chứ không cáu gắt như người khác.

Không biết bơi là hạn chế lớn nhất trong cuộc đời đi biển của mình, bà Thanh đã 2 lần gặp nạn, suýt rơi vào bàn tay tử thần, nhưng may mắn cả 2 lần bà đều được chồng và con trai cứu thoát. Khi nhắc đến chuyện ấy, trên khuôn mặt bà vẫn hiện rõ vẻ bàng hoàng, lo sợ: “Hai lần ấy nếu không có chồng và con trai thì bây giờ tôi không còn ngồi ở đây nữa”, bà Thanh tâm sự.

Sau 2 lần gặp nạn đó, bà Thanh đã quyết tâm học bơi, để có thể tiếp tục bám biển kiếm sống.

“Thu nhập không ổn định, có hôm biển động, ít cá, thu nhập chỉ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/chuyến đi. Nhưng những hôm gặp được luồng cá thì thu nhập có khi lên đến cả tiền triệu”, bà Thanh cho biết.

Xa biển là nhớ…

“Gắn bó với biển đã lâu, là người bạn thân thiết, việc đi biển đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày, bây giờ cứ một ngày không nhìn thấy biển là nhớ”, bà Thanh tâm sự.

Ban đầu, lên thuyền ra khơi đánh cá chỉ nhằm mục đích mưu sinh, lo cho con được ăn học đầy đủ. Nhưng theo bà Thanh nếu sau này khi cuộc sống khá hơn, bà vẫn không muốn rời xa biển. Đó là tình yêu lớn lao của bà đối với biển cả quê hương. Những ngày đầu đi biển bị say sóng, nhưng đi mãi rồi cũng thành quen, những hôm biển lặng thì không sao, nhưng hôm nào biển động ở nhà không đi được thì cảm thấy trong người bứt rứt không yên, “Hôm nào đi biển thì khỏe ra, mà không đi thì ở nhà nhọc người lắm”, bà Thanh nói.

Gần 14 năm lênh đênh trên biển, đến nay khi con cái đã trưởng thành nhưng bà Thanh vẫn quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với biển. Bởi vì biển không chỉ là nơi bà vất vả mưu sinh, mà còn là nơi bà dành tình yêu lớn thứ 2 sau gia đình - tình yêu đối với quê hương.

Bài và ảnh: Lê Xuân