04:14 13/04/2020

Bóng đá Việt vượt khó thời COVID-19

Bóng đá "đóng băng", các giải đấu bị đình chỉ khiến mọi nguồn thu của các đội bóng từ bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình đều tạm ngừng. Nếu các giải đấu cứ tiếp tục hoãn kéo dài, việc CLB bị "thâm hụt" ngân quỹ nặng là điều không thể tránh khỏi. Tại V-League, nhiều đội bóng đang phải đối diện với gánh nặng tài chính.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các đội bóng họp bàn với Ban Tổ chức V-League 2020 để tháo gỡ những khó khăn. Ảnh: VFF

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, V-League 2020 chưa thể hẹn ngày trở lại, nhưng nhiều CLB vẫn phải trả lương, chi trả chế độ sinh hoạt cho cầu thủ như thỏa thuận trong hợp đồng hay tiền điện, nước… khiến họ phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu.

Việc giảm lương cho các cầu thủ là điều mà nhiều câu lạc bộ ở V-League chưa tính đến, bởi liên quan đến tâm lý các cầu thủ. Thực tế, việc nhiều đội bóng giữ nguyên lương cho cầu thủ mùa dịch không quá khó hiểu. Bởi lẽ, nguồn thu chính của các đội tới từ nhà tài trợ và một phần kinh phí địa phương. Hai nguồn này thường tới vào đầu mùa và ổn định, nên khi xảy ra "sự cố" các đội vẫn có thể xoay xở. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, các khoản chi phải đội lên, nhiều CLB sẽ phải tính toán lại vấn đề chi tiêu.

Đến thời điểm này, đã có CLB thực hiện việc cắt giảm tiền lương của cầu thủ từ 25% - 50% trong thời gian không thi đấu và nhận được sự chia sẻ của các cầu thủ. Một số đội bóng khác thì cho biết tùy tình hình sẽ có động thái cắt giảm chi tiêu.

Hiện là giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống COVID-19, nhiều đội bóng V-League tạm giải tán, một số đội duy trì tập luyện với chế độ đặc biệt, cấm trại và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong làng túc cầu thế giới, việc các ngôi sao phải giảm lương để chia sẻ khó khăn cùng CLB chủ quản là chuyện bình thường, thì ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Thậm chí, chuyện cắt giảm lương ở thời điểm này còn khá nhạy cảm, khi V-League chưa rõ thời gian diễn ra trở lại do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Xác định giải VĐQG có thể hoãn vô thời hạn, nên việc giảm lương cũng đã được một số đội bóng tính đến, đồng thời áp dụng sớm để cắt giảm chi tiêu.

CLB TP Hồ Chí Minh là đội đi đầu trong việc giảm lương. Theo đó, tất cả cầu thủ và thành viên ban huấn luyện đã đồng ý giảm lương trong tháng 4/2020 nhằm chia sẻ gánh nặng cho đội bóng.

Tại CLB Thanh Hóa, HLV trưởng Fabio Lopez, các trợ lý và toàn bộ thành viên đội bóng đã tình nguyện giảm 30% lương tháng 3 và 50% lương tháng 4/2020 để chung tay với CLB trong lúc khó khăn. Theo lãnh đạo đội bóng, nếu đến tháng 5, các giải đấu vẫn chưa thể trở lại, các thành viên của đội bóng xứ Thanh sẽ tiếp tục tình nguyện giảm tiếp 50% lương của mình.

Còn ở CLB Dược Nam Hà Nam Định, toàn bộ thành viên của đội bóng sẽ cắt giảm 25% lương trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, việc giảm lương này chỉ áp dụng với những cầu thủ của đội có mức lương từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, còn những cầu thủ trẻ có mức lương 5 - 7 triệu đồng/tháng thì không giảm để họ lo toan cho gia đình.

Theo tính toán, mỗi đội ở V-League trung bình một mùa tiêu hết khoảng 40 tỷ đồng, trong đó gần một nửa dành cho trả lương, thưởng. Nếu cầu thủ giảm lương, chi phí cả mùa sẽ giảm xuống, bớt gánh nặng cho đội.

Nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, giải không sớm trở lại, việc các CLB có thể chấm dứt hợp đồng với các ngoại binh để giảm gánh nặng có thể xảy ra. Trung bình, mỗi cầu thủ ngoại binh ở V-League nhận từ khoảng 100 triệu đồng tới hơn 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc đơn phương hủy hợp đồng không hề đơn giản, nhiều điều giàng buộc.

Chú thích ảnh
Nhiều cầu thủ tự tập luyện tại gia trong thời điểm đội bóng của mình tạm giải tán vì dịch COVID-19.
Mới đây, Chủ tịch FIFA Infantino khẳng định các liên đoàn thành viên, trong đó có LĐBĐ Việt Nam, sẽ nhận được khoản tài chính từ gói "Quỹ hỗ trợ khẩn cấp" để vượt khó vì đại dịch COVID-19. Cụ thể, tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới thông báo sẽ chi đến 2,7 tỷ USD để "giải cứu" các thành viên của mình.

Tại cuộc họp mới đây giữa VPF và lãnh đạo các đội bóng V-League, nhiều đội đã đề đạt nguyện vọng VPF có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các CLB gặp khó khăn. Trước mắt do dịch COVID-19, gần như chắc chắn V-League sẽ không thể trở lại trong tháng 4 này. Phương án tổ chức V-League sau dịch vẫn chưa được VPF và các CLB thống nhất. Trường hợp xấu nhất giải bị hủy, các CLB sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Ở giai đoạn này, các đội bóng Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định, nhất là về tài chính. Vấn đề đặt ra lúc này là cần tìm cách vượt khó, đồng hành, cùng nhau sẻ chia ở chính mỗi CLB. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần phải vào cuộc, thể hiện tinh thần đoàn kết để biến khó khăn thành động lực, để cùng nhau vượt qua “bão” dịch COVID-19.

Nền bóng đá mạnh trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các đội bóng chuyên nghiệp mới đây, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Somyot Poompanmoung cho biết, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa hỗ trợ bóng đá Thái Lan 800.000 USD (hơn 17 tỷ đồng) nhằm giúp bóng đá nước này vượt qua ảnh hưởng của COVID-19.
L. Sơn/Báo Tin tức