07:06 30/07/2014

Bóng đá Tây Ban Nha vẫn có giá

Nhiều người đã nói tới sự cáo chung của “triều đại” Tây Ban Nha và sự hấp hối của lối chơi “tiqui - taca” tại World Cup 2014. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản lực hút của La Liga đối với các siêu sao, trong khi nhiều đội bóng lớn châu Âu đổ xô vào mua cầu thủ Tây Ban Nha.

Nhiều người đã nói tới sự cáo chung của “triều đại” Tây Ban Nha và sự hấp hối của lối chơi “tiqui - taca” tại World Cup 2014. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản lực hút của La Liga đối với các siêu sao, trong khi nhiều đội bóng lớn châu Âu đổ xô vào mua cầu thủ Tây Ban Nha.


“Bom tấn” ở La Liga


Cristiano Ronaldo vật vờ như một bóng ma và Lionel Messi thất bại trong trận chung kết World Cup 2014, nhưng không ai có thể phủ nhận, họ vẫn là những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Họ vẫn đang khoác áo Real Madrid, Barcelona và chẳng lý do khiến họ từ bỏ chúng, khi đỉnh cao danh vọng và tiền bạc đều đang ở đó. Ngược lại, Toni Kroos vô địch thế giới cùng với Đức và James Rodriguez là Vua phá lưới của giải trong màu áo Colombia, nhưng sau khi xách va li rời Brazil, họ đều đến thẳng Madrid.

 

Chelsea phải bỏ ra 40 triệu euro để mua Diego Costa.


Vâng, khi World Cup trôi qua, đến lượt La Liga (giải vô địch Tây Ban Nha) lại lên ngôi. Hè năm ngoái, sự náo nhiệt của Premier League (giải Ngoại hạng Anh) từng phải nhường bước trước các thương vụ “bom tấn” ở La Liga: Gareth Bale gia nhập Real Madrid từ Totteham với giá 91 triệu euro (hợp đồng đắt giá thứ hai thế giới) và Neymar cập bến Barcelona từ Santos với giá 86,2 triệu euro (thứ ba thế giới). Kịch bản này lặp lại trong hè 2014: Luis Suarez tới Barcelona từ Liverpool (81 triệu euro), James Rodriguez tới Real Madrid từ Monaco (80 triệu euro) và Kroos tới Real Madrid từ Bayern Munich (25 - 30 triệu euro).


Với Real Madrid và Barcelona, đơn giản là không ai có thể cưỡng lại sức hút của họ. Như James Rodriguez nói trong ngày ra mắt sân Bernabeu, “giấc mơ thời thơ ấu của tôi đã trở thành hiện thực”. Đó cũng là câu nói của những Zinedine Zidane, Ronaldo, David Beckham... khi họ đến đây và tạo nên “Dải thiên hà” (Galaticos) phiên bản 1.0, cũng là lời của Cristiano Ronaldo, Karim Benzema hay Bale trong những năm gần đây. Và nếu không phải là Real Madrid, thì các ngôi sao hàng đầu thế giới sẽ chọn Barcelona, như Ronaldinho, Zlatan Ibrahimovic trước đây, hay gần đây nhất là Neymar, Luis Suarez.

 

James Rodriguez là “bom tấn” mới ở La Liga.


Premier League, với thứ bóng đá cởi mở, lương bổng hấp dẫn và sự sôi động trên các khán đài, nhiều năm qua vẫn được xem là “thiên đường” đối với các cầu thủ chuyên nghiệp. Những đồng đô la dầu mỏ của Chelsea và Manchester City đã có lúc khuynh đảo thị trường. Bundesliga (giải vô địch Đức) đang ngày càng phát triển vững chắc, với những đại diện ưu tú là Bayern Munich và Borussia Dortmund. Ligue 1 (giải vô địch Pháp) hiện cũng nổi lên những “nhà giàu” mới, như Paris SG hay Monaco. Nhưng nhìn đi, nhìn lại, số 1 trên thị trường vẫn là Real Madrid và Barcelona, là La Liga. Tinh hoa của bóng đá châu Âu và thế giới vẫn hội tụ về đây.


Xuất khẩu “hàng hiệu”


Không chỉ kích nổ những “quả bom tấn”, giá trị của bóng đá Tây Ban Nha còn được khẳng định thông qua việc họ đang là một trong những nhà xuất khẩu cầu thủ quan trọng trên thị trường châu Âu. Những mức phí chuyển nhượng cao của các cầu thủ Tây Ban Nha cho thấy, thất bại ở World Cup đôi khi không thể làm giảm giá trị của những “sản phẩm” đã có thương hiệu.


Tiền đạo Diego Costa dù không ghi được bàn thắng nào ở Brazil, nhưng vẫn được Chelsea rải thảm đỏ mời về từ Atletico Madrid, với giá 40 triệu euro. Cesc Fabregas cũng vừa trải qua một mùa hè đáng quên, nhưng số 10 của đội tuyển Tây Ban Nha vẫn được HLV Jose Mourinho kéo về sân Stamford Bridge, với giá 38 triệu euro. Theo cách tương tự, những ngôi sao đang lên của bóng đá Tây Ban Nha cũng đã gia nhập các đội bóng hàng đầu châu Âu: Ander Herrera tới Manchester United từ Athletic Bilbao với giá 36,5 triệu euro, Alvaro Morata chuyển từ Real Madrid tới Juventus với giá 20 triệu euro.


Đây là sự tiếp nối của một xu hướng đã được định hình trong mùa hè 2013, khi các sản phẩm “hàng hiệu” Tây Ban Nha trở nên đắt khách: Roberto Soldado giá 30 triệu euro (từ Valencia tới Tottenham), Thiago Alcatara giá 25 triệu euro (từ Barcelona tới Bayern Munich), Alvaro Negredo giá 25 triệu euro (từ Sevilla tới Man City), Raul Albiol giá 12 triệu euro và Jose Callejon giá 10 triệu euro (từ Real Madrid tới Napoli)...


Người Tây Ban Nha đã thua một cuộc chiến, nhưng toàn mặt trận thì không.


Bảo An