01:05 12/01/2015

Bóng đá đang cần “hàng hiệu”

Một bất ngờ thú vị, ở lượt trận thứ hai V.League 2015, chủ nhà Đồng Tâm Long An gặp Hoàng Anh Gia Lai chiều 11/1, hơn 15.000 vé xem trận đấu này được Ban tổ chức bán hết trước đó nhiều ngày.

Một bất ngờ thú vị, ở lượt trận thứ hai V.League 2015, chủ nhà Đồng Tâm Long An gặp Hoàng Anh Gia Lai chiều 11/1, hơn 15.000 vé xem trận đấu này được Ban tổ chức bán hết trước đó nhiều ngày. Lý do đơn giản, khán giả sân Long An muốn được tận mắt thấy lứa cầu thủ U19 của Hoàng Anh Gia Lai với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... thi đấu. Bởi ở nhiều giải đấu gần đây, lứa U19 của bầu Đức với lối đá kỹ thuật, lăn xả, cống hiến…, đang dần trở thành “hàng hiệu”, chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ.

Từ thành công của lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai, rất nhiều người liên hệ đến công tác đào tạo cầu thủ trẻ hiện nay. Trong nhiều năm trở lại đây, sau chức vô địch AFF Suzuki 2008, bóng đá Việt Nam liên tục tụt dốc. Từ ngôi vị á quân ở SEA Games 2009, chỉ vào tới vòng bán kết ở AFF Suzuki Cup 2010 và SEA Games 2011; tại AFF Suzuki Cup 2012, bị loại ngay từ vòng đấu bảng, rồi tại AFF Suzuki Cup 2014 cũng không đạt được mục tiêu đề ra (có mặt tại trận chung kết)… Theo giới bình luận, trong rất nhiều nguyên nhân, thì nguyên nhân không kém phần quan trọng là những người chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam không coi trọng đúng mức đến công tác đào tạo trẻ.

Có thể thấy rõ, bộ máy của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong nhiều khóa liên tục đã không hoạch định được kế hoạch dài hơi, bài bản cho nền bóng đá nước nhà, thể hiện rõ nhất là đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên trẻ. Ở các giải đấu trong nước, mải chạy theo thành tích, đánh bóng thương hiệu, nên rất ít câu lạc bộ chăm lo đến công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Hay nói cách khác, khâu đào tạo cầu thủ trẻ đã bị bỏ trắng, nhưng cũng chẳng thấy lãnh đạo của VFF có ý kiến gì! Bên cạnh đó, không ít ông chủ câu lạc bộ đã gián tiếp hủy hoại các tài năng trẻ bóng đá trong nước bằng việc họ chỉ chú tâm tung tiền mua các “sao” nội, ồ ạt nhập tịch cho các cầu thủ ngoại để phục vụ được ngay. Do vậy, các cầu thủ trẻ ít được ra sân, ít được cọ sát (do bị cầu thủ ngoại chiếm mất chỗ), khi ra đấu trường lớn dễ dàng bị “ngợp” và dễ dàng bị đánh bại. Kiểu làm bóng đá “ăn xổi” không chỉ tạo một lỗ hổng lớn về lực lượng kế cận, mà còn để lại hậu quả khôn lường.

Kết quả của đội tuyển quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2014 đã phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bởi đội tuyển quốc gia chính là tấm gương phản ánh thực lực nền bóng đá nước nhà. Nền bóng đá mạnh, đội tuyển quốc gia mạnh, nó phải được bắt nguồn từ các câu lạc bộ mạnh, mà trong đó lực lượng trẻ phải là nòng cốt. Sở dĩ trong thời gian gần đây, phần lớn các câu lạc bộ trong nước rơi vào tình trạng điêu đứng, vì hơn một thập kỷ núp dưới cái danh nghĩa “chuyên nghiệp”, các câu lạc bộ chủ yếu sống nhờ hầu bao của các doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp làm bóng đá đặt nặng vấn đề quảng bá thương hiệu, thì cũng đừng trông chờ họ mặn mà với công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Với nền tảng như vậy, thì bóng đá Việt Nam tụt hậu cũng là dễ hiểu. Vấn đề đặt ra, cần phải có sự hoạch định lại chiến lược phát triển bóng đá nước nhà. Hay nói cách khác, cần khẩn trương xóa bỏ tư duy làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, mà phải chú trọng tới công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Trước mắt, cần một cuộc điều tra toàn diện, một cuộc mổ xẻ thấu đáo, sau đó là một chiến lược đầu tư có chiều sâu, chú trọng hoạch định lại khâu đào tạo cầu thủ trẻ…

Hãy lấy mô hình của Hoàng Anh Gia Lai để học hỏi và nhân rộng. 5 năm trở lại đây, câu lạc bộ bóng đá “Phố núi” đã có sự kết hợp một cách bài bản, chuyên nghiệp với Câu lạc bộ Arsenal trong khâu đào tạo trẻ. Kết quả, lứa cầu thủ được Hoàng Anh Gia Lai gửi sang đào tạo tại Anh, giờ đã trở thành thương hiệu, phần lớn thành danh, là nguồn cung cấp các cầu thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia, cũng là nguồn cảm hứng lớn để lôi kéo người hâm mộ trở lại với bóng đá nước nhà.

Yến Nhi