10:09 18/10/2012

Bồng bềnh Pú Cai

Tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng xào xạc mái gianh, tiếng chó sủa ma, tiếng trẻ khóc, người mẹ đang dỗ nựng. Tôi đang bồng bềnh trong trời đất Pú Cai...

I.


Năm lớp 12, tháng 3, mùa đăng kí thi đại học, cao đẳng. Bố tôi bảo: "Tùy theo sức của mình, tùy con". Mẹ tôi chẳng biết nghĩ việc lớn bao giờ bảo: "Thôi cứ trường nào gần nhà, chắc chắn đỗ thì theo". Tôi bảo: "Ngưòi đến ngã ba, ngã tư thì đi chậm lại nhìn ngó. Con nghĩ ba ngày sẽ quyết định".


Ba ngày sau, sau bữa cơm tôi bảo bố mẹ: "Con chẳng biết thế nào nữa. Đau đầu lắm, cứ sợ sợ làm sao...". Bố bảo: "Con hay thương người, lo lắng thái quá những chuyện không phải mình thì chọn sư phạm. Ấy là chưa nói khoản học phí mấy năm được miễn. Cũng lớn đấy". Tôi đồng ý, bố nói có lý. Điều riêng tôi hiểu tôi rất sợ trượt cú đầu tiên. Mẹ xưa nay vẫn quen phục tùng, nhất trí dĩ nhiên vào hùa bố, động viên tôi: "Làm cô giáo cũng hay. Chẳng phải đau đầu, sau này chồng con được nhờ". Tôi chẳng nghĩ xa như thế chỉ biết lần này phải chắc chắn đỗ Trung học Sư phạm.


Minh họa: Trần Thắng.


Tôi đỗ thật, đỗ cao, đứng thứ ba trong số thí sinh toàn tỉnh. Tôi thầm biết trước điều này nhưng không dám nói ra. Giấy báo nhập học cầm trong tay rồi mà tôi chẳng vui, chẳng buồn. Có lẽ bất cứ ai, bất cứ điều gì khi lên đỉnh cao rồi thì thấy vắng vẻ buồn hơn. Người ta có thể tiếc nuối "sao không chọn đỉnh cao hơn" hoặc quyết tâm lấy đỉnh cao này làm bàn đạp lên nữa. Tôi không có ý này nhưng cảm giác của một người thắng trận không đúng tầm cứ làm tôi day dứt không yên. Tôi vào giấc ngủ khó hơn.


Chập chờn tôi lúc ở đỉnh núi này, lúc lại vụt xuống khoảng không đen xì. Tôi đè tay lên ngực mong tim bị nén để ngủ, dẫu ngủ mê cũng cam lòng. Cách ấy xem ra hiệu quả nhưng sáng hôm sau trở dậy tôi như người phụ vữa ngày đầu tiên trở về. Nặng nề và đau nhức. Người như mượn ai, đầu như đầu giả.


Thế là tôi đã tốt nghiệp Trung học Sư phạm. Một kết quả đáng ngẩng mặt trong đám bạn bè. Thầy cô chúc mừng tôi. Tôi nghĩ là đúng phải như thế. Có gì đâu dễ hiểu thôi... Cứ đặt vào hoàn cảnh như thế này: Dăm khóa rồi toàn những học sinh trung bình, yếu cứng... đột nhiên xuất hiện một, hai trò viết văn ngon nghẻ, làm toán được một nửa. Thế là điểm sáng, là tiên tiến, là xuất sắc. Tôi chẳng dám ví mình là con công giữa đàn gà bởi như thế cô độc quá, ác quá. Tôi không háo danh, hãnh tiến, tôi chẳng là gì đâu. Mai này cuộc đời, ai dám nói trước điều gì! Tôi sẽ làm cô giáo ở đâu? Chiều thứ bảy có hoa trên đỉnh núi hay sương mù chẳng nhìn thấy ai? Ý nghĩ thực tế khiến tôi rụt rè, ít nói hơn. Không biết từ bao giờ (có lẽ trước khi thi tốt nghiệp một tháng) tôi bắt đầu nghĩ về mình.


Trong muôn vàn người đi lên núi, xuống phố


Mê mải những cánh rừng, vùn vụt những người xe


Tôi có trong đám đông lố nhố


Giật mình né chạy một giọt sương

 

Ôi những mái trường mờ mờ đâu đó


Tôi nhắm mắt lại vẫn không nhìn ra...

II.


Mẹ cầm gói cá khô nhét vào túi rồi bảo tôi: "Lên đấy chắc chẳng có chợ búa gì đâu? Phòng hơn chống. Có tí thức ăn mặn yên tâm". Tôi bảo: "Thêm một thứ là thêm một phút sưng chân. Chẳng gì bằng hai tay vung, người làm mũi tên lao đi". Bố đi ra đi vào như ngóng như chờ (không thấy ông nói gì). Mãi bố mới buột mồm: "Đã hẹn đúng 6 giờ mà thằng này... nó không đến thì mình đưa đi vậy...". Tôi hỏi: "Bố nói ai. Ai đến. Con đi một mình được chẳng ai muốn vào tù mà bắt cóc con bố". Tôi xách túi, bước nhanh ra cổng. Bố chạy ra kéo lại... Đợi thằng Dếnh, trưởng bản đấy, nó xuống họp, hôm nay cũng về. Con đi cùng nó yên tâm hơn. Bố nói như van xin, chưa bao giờ thấy bố yếu đuối thế. Hình như bố sắp khóc. (Tôi thấy mắt ông đỏ khác thường). Tôi thương bố, quay vào. Tôi không sợ người khác lo cho mình nhưng không chịu nổi kiểu lo lắng thái quá. Chừng mươi phút sau thì có tiếng ngoài cổng "Bác Thành bảo ai đi cùng cho đi thôi! Nắng rồi!". Tôi đang ở tư thế sẵn sàng liền chào bố mẹ và đi theo Dếnh. Dếnh bảo tôi đưa cái túi cầm hộ. Tôi bảo không nặng. Dếnh chẳng nằn nì như tôi thường thấy những người đàn ông đi với phụ nữ. Dếnh hỏi: "Lên làm cô giáo bản mình à?". Tôi bảo: "Ừ! Phòng giáo dục phân công lên". "Có sợ bản mình không?". Dếnh tưởng tôi vẫn sát đằng sau hỏi tiếp. Tôi bắt đầu thấm mệt, chỉ nghe thấy tiếng sợ. Tôi nói to: "Sợ cái gì mà sợ. Đi theo anh thế này tôi còn chả sợ...". Dếnh chợt dừng lại, đi ngược lại phía tôi. Mặt Dếnh tái đi, giọng có vẻ không bình tĩnh: "Cô giáo bảo tôi cái gì? Tôi làm trưởng bản không tin tôi thì tôi đi đây!". Dếnh nói và làm thật. Tôi tụt dép chạy theo, Dếnh vẫn đằng trước kia mà không sao đuổi kịp."Anh Dếnh! Anh Dếnh!...". Tôi hét lên. Mấy người trên nương dừng tay nhìn xuống. Một ông già vừa chạy xuống vừa kêu: "Anh kia đợi nó kìa. Sao không nghe à? Người hay ma đấy!". Không hiểu vì lời ông già hay tiếng hét của tôi mà tôi đuổi kịp Dếnh. Đúng ra là Dếnh đợi tôi. Dếnh ngồi ở cái rễ cây chìa ra đường. Tôi đến thở cả ra tai. Dếnh nhìn thẳng vào tôi, tôi cúi xuống bảo: "Đón cô giáo mà định bỏ rơi à?". Dếnh bảo: "Không tin thì không đón nữa". Tôi biết Dếnh hiểu lầm, giải thích lúc này là bất lợi. Kinh nghiệm dạy cho tôi rằng nên ít nói, chớ lí luận với người mình đang phụ thuộc. Trong trường hợp cụ thể này chí ít tôi cũng có thổ công suốt sáu tiếng đi bộ. (Ở nhà tôi mạnh mẽ thế không hiểu những lối mòn lành lạnh xiên qua những cánh rừng mãi chả thấy bóng người hay kiểu chẳng sởi lởi chuyện trò của một người đàn ông xa lạ mà tôi lại mềm vía đi?).


Chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Tôi chủ động lại với Dếnh. Đại loại chuyện vợ con Dếnh, nương rẫy, chăn nuôi... Dếnh ngắt một chiếc lá thổi. Tôi chưa nghe loại nhạc này bao giờ. Tiếng thanh nhưng không lanh lảnh. Cứ mềm mại lúc như con chim gì bé tí hót, lúc lại như tiếng trai gái gọi nhau. Dếnh cứ thổi và tôi bồng bềnh, dễ chịu. "Xem ra anh này được đây". Tôi xuýt phì cười vì ý nghĩ chuyển biến nhanh quá. Đợi cho Dếnh hết bài (tôi đoán vậy vì thấy tiết tấu lặp lại), tôi đánh bạo bảo: "Anh dạy em thổi được không?". Dếnh bảo: "Không được đâu! Lá rừng chọn người đấy". Tôi bảo: “Em thổi kèn lá chuối rồi. Lại có anh dạy, lá rừng chắc phải nghe em". Giọng tôi trở nên mềm mại, tôi thấy ngường ngượng (chắc Dếnh không biết). Dếnh đã ngắt một chiếc lá chiều tôi. Tôi kẹp ngang lá, bập bập môi dạo. Chỉ có tiếng phù phù, tiếng hơi như người ta thổi bếp. Tôi nghĩ Dếnh sẽ cười. Không. Dếnh bảo: "Khó hơn lấy củi đấy. Khi nào tự thổi thì khắc biết thổi". Tôi không hiểu, có lẽ Dếnh không diễn đạt rõ được bằng tiếng phổ thông. Tôi tự hiểu rằng: Thời gian, tình cảm nhạc rừng sẽ ngấm vào mình. Tự nhiên một hôm nào đó mình sẽ thổi hay như Dếnh bây giờ.


III.


Pú Cai là bản người Mông có 21 nóc nhà. Lớp học nằm trên một sườn núi, nghe nói ngày xưa trồng toàn thuốc phiện. Dếnh bảo: "Chỗ này là giữa bản đấy". Tôi nhìn ra xa xung quanh chỉ thấy được bảy nhà. Bảy cái đốm nắng ngủ trưa, chẳng thấy khi nào mở cửa. Nhà Dếnh ở sát lớp học. Dếnh đưa tôi sang lớp. Một ngôi nhà cột gỗ bằng bắp chân, lợp gianh, ba gian ngoài làm chỗ học, một gian trong cho cô giáo ở. Tôi bước vào căn phòng của mình. Nhìn ngó và thử. "Nếu cô giáo sợ ma thì ngủ nhà tôi". Dếnh nói không có vẻ đùa vui. Dếnh ơi! Pú Cai ơi! Tôi đã lên đây rồi, tôi còn sợ gì nữa. Cái đáng sợ là cô đơn. Điều này tôi cũng đã được rèn luyện một tháng nay từ khi quyết định... cứ đi theo sự phân công.


Buổi đầu tiên lên lớp thật là buồn cười. Cao thấp lố nhố học trò, véo von tiếng Mông, tiếng phổ thông. Có đứa cao lớn khềnh khàng. Có đứa bé tí nằm ngủ trên địu. Đứa có cặp siêu nhân như dưới phố. Đứa cầm mỗi cái bút. Chúng vòng trong vòng ngoài quây lấy tôi, ngắm nhìn. "Cô giáo đẹp quá!". Bản năng con gái khiến tôi phấn chấn. "Cô giáo dạy cho xem đi!". Tiếng một người già lơ lớ. Tôi mải với trò bên trong, bây giờ mới nhìn ra. Cửa lớp, ngoài sân rất nhiều phụ huynh đang xem. Tôi ra ngoài chào họ. Tất cả nhìn tôi như tin, như không tin, xăm soi đằng trước, đằng sau... Tôi đỏ mặt... (Tháng sau tôi mới biết đấy là niềm sung sướng, ngạc nhiên. Pú Cai trước có một cô lên được ba ngày toàn khóc rồi về. Một thầy giáo ở được sang tận mùa mưa, nói bảo xuống thành phố chữa bệnh và mãi không thấy lên. Tôi hiểu tôi là cơn mưa giữa mùa tra hạt).


Buổi học đầu tiên hóa ra không đến nỗi như tôi dự tính. Mười bốn đứa thì sáu đứa vẫn nhớ mặt chữ. Năm đứa cả Tiếng Việt, Toán chấp nhận được. Chỉ còn ba đứa chưa viết được chữ, tính toán trong phạm vi 10 vẫn vấp. Tôi vui, mãi nhá nhem tối mới cho trò nghỉ. Tôi cắp cặp ra thì Dếnh vừa từ nhà bước sang."Mình với vợ mình bảo cô giáo sang ăn cơm. Mai đi nương tất cả rồi không ăn được đâu". Dếnh nói, tôi hiểu rằng đây là bữa cơm gặp mặt. Có thể thay mặt bản chào mừng, cảm ơn cô giáo đem cái chữ về. Đại loại sẽ lễ nghĩa như thế. Dếnh về trước, tôi về phòng cất cặp rồi sang ngay. Bếp lửa đùng đùng, nồi nước thịt to đang sôi. Vợ Dếnh xách một xô rau, vặt ném vào. Tôi chạy lại, cầm lấy cái xô, vợ Dếnh gạt tay và nói gì đó. Dếnh bảo: "Cứ kệ nó làm thôi. Nó quen rồi mà". Dếnh ngồi hút thuốc lào. Tôi chẳng biết làm gì chạy ra bế đứa bé đang đứng nhìn. Dếnh bảo: "Hôm nay nó cũng đi học đấy". "Trường mầm non ở chỗ nào? ", tôi hỏi. Dếnh chỉ vào đứa lớn "Anh nó địu đi theo. Ở nhà không có người chơi. Tôi phải đi nốt mấy nhà bảo làm đất nhanh lên để mang ngô giống mới về". Tôi vuốt má đứa bé. Nó nhìn tôi, đôi mắt rất đẹp, sáng. Dếnh nhìn con, nhìn tôi. Nếu nghệ sĩ chụp được kiểu ảnh lúc này chắc chắn sẽ đặt tên là HẠNH PHÚC. Tôi vớ vẩn nghĩ và cười thầm.


Tôi phát hiện ra mình biết uống rượu khi đến chén thứ ba Dếnh rót tiếp tôi không có động tác từ chối. Dếnh hỏi tôi: "Ở bản có sợ không?". Tôi bảo: "Toàn học trò với phụ huynh thì sợ cái gì!". Dếnh hỏi tiếp: "Bao giờ thì cô giáo bỏ về?" Tôi đặt đôi đũa xuống, mặt nóng bừng bừng. May tôi kịp trấn tĩnh lại. Tôi ở với họ, họ nói thật tôi lại nghĩ này nọ, kiểu phố xá thị trấn. Ý nghĩ dại dột đi rồi tôi vẫn không được tự nhiên như trước nữa. Dếnh kể (có vẻ Dếnh đã hiểu): "Có một cô còn đẹp hơn cô lên đến đây chỉ khóc chẳng dạy chữ nào, ba ngày thì về. Có một thầy lên tiếp toàn đi chơi bản xa ba bốn hôm liền. Về dạy trẻ con không hiểu cứ dạy. Sang đến mùa mưa thì xuống mãi không lên nữa... Cô giáo ở đây mãi chứ?". Dếnh chợt nắm lấy tay tôi. Tôi giật mình sợ, rụt tay. Vợ Dếnh lặng lẽ rót tiếp rượu vào hai cái chén. Không thấy chị phản ứng gì (hay là chị không nói). Nhưng gương mặt chị chẳng hề bất chợt tối sầm. Ngược lại ánh lửa phản vào cứ hồng rực. Có lẽ là tôi suy bụng ta ra bụng người. Tệ thật.


Có lẽ Dếnh bảo trước nên chị vợ đang dọn dẹp giường, chăn. Dếnh sợ tôi say, một mình bên phòng không yên tâm. Tôi bảo không say và thực sự thế. Tôi về, Dếnh đưa sang tận phòng đợi tôi trùm chăn xong còn bảo: "Tôi đặt bó củi ngoài cửa đấy. Không sợ gì đâu".


Tôi lên giường đắp chăn. Hơi của mẹ vẫn đây, đằm đằm, mênh mang như nương ngô ruộng lúa. Tôi thấy mẹ ở đầu cơn gió, mái tóc dài mãi về phía tôi. Tôi chạy lên, chạy lên... mẹ vẫn cứ xa xa với nụ cười hiền hậu. Mẹ ơi! Con ở Pú Cai rồi. Mười ngày nữa có người bản xuống thị trấn lấy ngô giống con sẽ về thăm mẹ. Chẳng biết mẹ bảo con béo hay gầy đây. Hàng xóm sẽ bảo con sướng hay khổ đây. Chắc chắn là con hơi gầy và đen nữa. Con quyết định rồi sẽ dạy học một buổi, một buổi đến từng nhà có việc gì giúp việc ấy như lấy nước, tắm rửa cho các cháu bé... Người Mông quí cô giáo lắm mẹ ạ. Cái Lìa con anh Dếnh (cái anh hôm đón con lên đấy) cứ nhận con là mẹ. Con ngại nhưng nó yêu mình, cả nhà họ quí mình, thế càng tốt mẹ nhỉ! Chủ nhật này con sẽ đi nương với nhà anh.


Tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng xào xạc mái gianh, tiếng chó sủa ma, tiếng trẻ khóc, người mẹ đang dỗ nựng. Tôi đang bồng bềnh trong trời đất Pú Cai. Giấc ngủ thật nhẹ và sâu.



Du An