03:15 17/03/2020

Bốn yếu tố quyết định thời gian Mỹ cách ly xã hội vì COVID-19

Việc Mỹ sẽ đóng cửa biên giới với các nước châu Âu và cách ly xã hội trong bao lâu để kiềm chế dịch COVID-19 còn tùy thuộc vào ba yếu tố quan trọng.

Các trường học sẽ đóng cửa đến bao giờ? Người lao động sẽ làm việc từ xa trong bao lâu? Bao giờ các con phố sẽ có đông người qua lại? Theo các nhà dịch tễ học và virus học Mỹ, câu trả lời rất đơn giản: “Còn tùy”.

Thời gian đóng cửa biên giới và cách ly xã hội ở Mỹ sẽ không kết thúc sớm trong vài tuần nữa, mà phải tính bằng tháng. 

Sau đây là các yếu tố sẽ quyết định Mỹ cách ly xã hội trong bao nhiêu tháng.

Thời điểm Mỹ đạt đỉnh dịch

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington D.C. ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Washington Post (Mỹ), trong những ngày gần đây, số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tăng nhanh ở Mỹ đã khiến người ta lo sợ tình hình dịch bệnh đang bắt đầu diễn biến giống các nước khác như Italy. 

Khi virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan ở Italy, số ca nhiễm virus hàng ngày ở các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc cuối cùng cũng giảm xuống, dấu hiệu cho thấy các nước này đã qua đỉnh dịch.

Ông Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Tình hình phụ thuộc vào việc một tuần từ bây giờ, Mỹ sẽ giống Italy hay Hàn Quốc”.

Trung Quốc mất khoảng hai tháng từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 và một tháng kể từ khi tình hình diễn biến nghiêm trọng thì dịch mới đạt đỉnh. Hàn Quốc mất khoảng nửa tháng.

Về phần Mỹ, không thể nói khi nào dịch sẽ đạt đỉnh vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là Mỹ không biết hiện có bao nhiêu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tình trạng này là do hạn chế trong triển khai xét nghiệm cho người dân.

Chú thích ảnh
Người dân mua nhu yếu phẩm tại một cửa hàng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhà dịch tễ học cho rằng việc Mỹ phản ứng với dịch COVID-19 mà thiếu thông tin như vậy là đã chậm trễ so với các nước khác.

Thời gian cuộc khủng hoảng này ở Mỹ kéo dài bao lâu có thể dựa vào một số thông tin. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho rằng cần ngừng các cuộc tụ tập trên 50 người trong 8 tuần tới. Ngày 16/3, các quan chức ở một số bang cho biết hàng triệu học sinh có thể phải nghỉ học tới hết năm học này.

Trong họp báo ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyến nghị các bang có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng, phòng tập thể dục và các địa điểm tụ tập. Ông Trump cho rằng đợt bùng phát dịch này có thể kéo dài tới tận tháng 7 hoặc tháng 8. Một số bang đang xúc tiến việc áp đặt lệnh giới nghiêm.

Thời điểm sau đỉnh dịch

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay cả khi đỉnh dịch đã qua, Chính phủ Mỹ có thể vẫn cần hành động quyết liệt để tiếp tục ngăn chặn virus.  

Như ở Trung Quốc, hai tháng rưỡi sau khi virus xuất hiện, nước này đã dỡ bỏ một phần biện pháp phong tỏa ở nhiều khu vực. Trường học bắt đầu mở cửa trở lại và giới chức đã đóng cửa bệnh viện dã chiến được xây dựng ở thời kỳ đỉnh dịch ở Vũ Hán. Tuy nhiên, các ca bệnh mới tiếp tục xuất hiện. Trung Quốc vẫn sử dụng các chốt kiểm tra thân nhiệt và thực hiện chương trình giám sát kỹ thuật số để theo dõi hoạt động di chuyển của người dân. Đường phố ở các thành phố lớn cũng không đông đúc như trước.

Rủi ro xảy ra đợt bùng phát mới vẫn còn. Đó là lý do Trung Quốc áp dụng hạn chế với người nhập cảnh vào nước này, như các nước từng cấm nhập cảnh người Trung Quốc. Mục đích là để ngăn virus quay trở lại Trung Quốc và gây ra đợt lây lan mới.

Theo nhà dịch tễ học Rivers, ngoài Trung Quốc, chúng ta không biết mọi việc sẽ diễn biến thế nào ở các nước khác. Ta có thể thấy đợt bùng phát thứ hai hoặc thứ ba ở những nước vẫn đang hồi phục từ đợt bùng phát đầu tiên. Một số chuyên gia còn cho rằng virus sẽ lây nhiễm cho 40 đến 70% dân số thế giới.

Vì thế, nhiều khả năng là sau khi Mỹ đạt đỉnh dịch, nước này vẫn phải thực hiện một số biện pháp như cách ly người nhiễm virus, cách ly xã hội… cho tới khi có vaccine phòng bệnh – quá trình mất từ 12 tới 18 tháng.

Đặc điểm chưa biết tới của SARS-CoV-2

Chú thích ảnh
Một nhà khoa học nghiên cứu kháng thể chống virus gây dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm Viện nghiên cứu y học Rega ở Leuven, Bỉ ngày 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, còn quá nhiều điều ta chưa biết về virus SARS-CoV-2 và cách virus này hoạt động. 

Một số người hy vọng SARS-CoV-2 giống virus gây cúm và sẽ bị ảnh hưởng khi thay đổi mùa. Virus cúm suy yếu khi nhiệt độ tăng lên vào mùa Xuân và Hè. Nếu vậy, các nước có thể nới lỏng biện pháp mạnh hiện nay và có thêm thời gian quý báu để chuẩn bị tốt hơn cho hệ thống y tế trong đối phó dịch vào mùa Thu và Đông tiếp theo. Có điều là không ai biết liệu các mùa có ảnh hưởng tới virus này hay không.

Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn không biết chắc chắn liệu người đã mắc COVID-19 có miễn dịch lâu dài hay không và trong bao lâu. Hiện có vài thông tin nói về khả năng tái nhiễm virus nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đó là do lỗi xét nghiệm hoặc virus bùng trở lại ở những bệnh nhân chưa khỏi hoàn toàn.

Mức độ và thời gian sẵn sàng cách ly của người dân

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại New York, Mỹ ngày 7/3. Ảnh: THX/TTXVN

Việc Mỹ vượt qua đỉnh dịch hiệu quả tới đâu còn tùy thuộc phần lớn vào mức độ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân và trách nhiệm cộng đồng của người dân Mỹ.

Ví dụ như ở Anh, các lãnh đạo tuần trước nói họ sẽ không cách ly xã hội, không cấm tụ tập đông người, không đóng cửa trường học. Nguyên nhân một phần vì sợ người dân Anh sẽ nhanh chóng chán ghét các biện pháp này. Ông Chris Whitty, Cố vấn y tế trưởng ở Anh, ngày 12/3 nói: “Nếu ta hành động quá sớm, mọi người sẽ mệt mỏi”. 

Tuy nhiên, quyết định đó đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia. Trên 200 chuyên gia y tế và khoa học đã đăng thư ngỏ để chỉ trích kế hoạch của Chính phủ Anh. Đây là vì nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy càng áp dụng biện pháp can thiệp sớm thì hiệu quả càng cao.

Ngay cả với hành động mà Mỹ đang thực hiện thì các bệnh viện cũng sẽ nhanh chóng hết giường và máy thở, buộc bác sĩ phải quyết định chọn cứu ai trước, như thực trạng đang diễn ra ở Italy.

Bà Natalie Dean, chuyên gia tại Đại học Florida, nói: “Tôi không rõ liệu mọi người bây giờ sẵn sàng cách ly xã hội trong bao lâu. Nhưng khi họ thấy tình hình ở bệnh viện nghiêm trọng hơn, tôi nghĩ quan điểm sẽ thay đổi”.

Thùy Dương/Báo Tin tức