02:18 15/02/2021

Bốn yếu tố quyết định thành bại cuộc chiến chống COVID-19 ở Mỹ

Mặc dù số ca mắc COVID-19 và nhập viện hàng ngày giảm trong thời gian gần đây, nhưng các chuyên gia dự báo Mỹ vẫn chưa thể khống chế đại dịch.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, mô hình mới nhất của Viện Đánh giá và Thống kê Y tế thuộc Đại học Washington dự báo 130.000 người Mỹ sẽ tử vong vì COVID-19 trong ba tháng rưỡi tới.

Trong khi số ca mắc COVID-19 có thể đang có xu hướng giảm, nhưng có bốn yếu tố chủ chốt sẽ quyết định diễn biến dịch trong vài tháng tới thế nào.

Theo Viện Đánh giá và Thống kê Y tế (IHME), hai yếu tố đầu tiên có thể sẽ giúp số ca mắc COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm: tăng cường tiêm vaccine và Mỹ bước vào mùa xuân và hè. COVID-19 lây lan ít hơn trong mùa xuân và hè.

Nhóm nghiên cứu tại IHME nhận định: “Tuy nhiên, hai yếu tố này vừa có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược xu hướng giảm ca bệnh vừa mới mắt đầu”.

Một yếu tố nữa là biến chủng ở Anh B.1.1.7 lây lan. Các chuyên gia cảnh báo biến chủng Anh có thể trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến ở Mỹ vào mùa xuân. Dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 14/2 cho thấy đã phát hiện 1.173 ca mắc biến chủng Anh tại 39 bang.

Yếu tố thứ tư là các hành vi khiến COVID-19 dễ lây lan. Nhóm nghiên cứu nói: “Chúng ta đã kiềm chế dịch bệnh lây lan trong mùa đông nhờ đeo khẩu trang, giảm đi lại, tránh bối cảnh rủi ro cao. Khi số ca mắc hàng ngày giảm và số người tiêm vaccine tăng, các hành vi có thể thay đổi theo hướng khiến dịch bệnh lây lan hơn”.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng hiện không phải là lúc Mỹ giảm phòng chống dịch bệnh. Dù vậy, ngày càng nhiều thống đốc bang quyết định nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19.

Trong các yếu tố trên, các chuyên gia đặc biệt lo ngại về biến chủng Anh. Tiến sĩ Leana Wen, chuyên gia phân tích y tế tại CNN, cho biết: “Tôi rất lo ngại về các biến chủng virus vì chúng ta đã thấy điều gì xảy ra ở các nước khác khi biến chủng lây lan bùng nổ. Tôi cho rằng tăng cường tiêm vaccine càng nhiều càng tốt là điều thực sự quan trọng. Trong khi đó, hãy cố hết sức để tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách. Các biện pháp này cũng thực sự quan trọng trong kiểm soát virus lây lan”.

Ngoài biến chủng B.1.1.7, CDC ngày 14/2 cho biết có thêm 17 ca mắc biến chủng Nam Phi B.1.351 ở 7 bang và thủ đô Washington DC. Có hai ca mắc biến chủng Brazil P.1 ở Minnesota và Oklahoma.

CDC cho biết dữ liệu trên không phải là con số tổng thể vì đây chỉ là các ca bệnh được phát hiện sau khi phân tích các mẫu dương tính.

Bất chấp lo ngại trên, giới chức Mỹ hy vọng có thể tiếp tục tăng cường tiêm chủng để thay đổi diễn biến dịch bệnh theo hướng tích cực.

Tới nay, Mỹ mới tiêm liều vaccine đầu tiên cho trên 38 triệu người Mỹ và 14 triệu người đã được tiêm đủ hai liều. Tổng cộng, gần 53 triệu liều đã được tiêm, chiếm 72% tổng số liều được phân phối.

IHME hy vọng Mỹ có thể tiêm chủng cho 145 triệu người lớn tới ngày 1/6 để ngăn chặn 114.000 ca tử vong.

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo nói trong tuyên bố ngày 13/2: “Nguồn cung vaccine của chúng ta đang tăng, tỷ lệ dương tính đang giảm và chúng ta đang tiến gần một bước tới chiến thắng cuộc chiến với COVID-19 mỗi ngày”.

Tới ngày 14/2, New York đã tiêm 89% tổng số liều vaccine đầu tiên nhận được từ chính quyền liên bang và 83% tổng số liều đầu tiên và thứ hai.

Chú thích ảnh
Y tá tiêm vaccine COVID-19 cho dân ở Los Angeles. Ảnh: Getty Images

Tại California, giới chức cho biết sẽ bổ sung hàng triệu người vào danh sách ưu tiên tiêm chủng, trong đó có người dân có nguy cơ cao như người khuyết tật và người có bệnh nền nghiêm trọng. Kế hoạch sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3, mở rộng độ tuổi tiêm chủng từ 16 đến 64, thay vì chỉ ưu tiên cho người trên 65 tuổi.

Dù vậy, bang này vẫn thiếu vaccine, buộc một số trung tâm tiêm chủng đại trà ở Los Angeles phải tạm đóng cửa.

Tới nay, Mỹ ghi nhận trên 28,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 497.000 ca tử vong. Mỹ là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong nhất thế giới.

Trong tuần trước, lần đầu trong 100 ngày, số ca COVID-19 trung bình ngày ở Mỹ dưới 100.000. Cụ thể, Mỹ có số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày là 96.609 ca. Lần cuối cùng Mỹ ghi nhận con số ca mắc dưới 100.000 là vào ngày 3/11/2020. Vào ngày này, Mỹ có trung bình 925 ca tử vong/ngày.

Còn hiện nay, Mỹ có trung bình 3.024 ca tử vong/ngày. Tức là số ca tử vong hàng ngày tăng hơn 200% kể từ tháng 11/2020.

Trong 100 ngày từ ngày 3/11/2020 tới 12/2/2021, Mỹ ghi nhận trên 18,14 triệu ca mắc và 248.148 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức