11:16 09/11/2020

'Bốn tại chỗ' để giảm thiệt hại từ thiên tai

Phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ luôn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong các chỉ đạo về công tác phòng chống, ứng phó, làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua.

Đã có những thống kê bước đầu về những thiệt hại trong đợt mưa lũ kéo dài cùng với bão số 9 (cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây) xảy ra ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Ở thời điểm này, người dân cả nước tiếp tục hướng về miền Trung ruột thịt; các cấp chính quyền và người dân miền Trung vẫn tiếp tục gồng mình đối phó, khắc phục hậu quả của mưa bão.

Phải khẳng định, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện 4 tại chỗ, sự chủ động ứng phó cùng sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của các cấp chính quyền ở các tỉnh miền Trung đã góp phần làm giảm đáng kể thiệt hại của đợt mưa lũ kéo dài, người dân miền Trung đang từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống.

Diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan và những thảm họa khủng khiếp từ thiên tai đang là sự cảnh báo đối với con người nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đã có những điểm sáng trong thực hiện “4 tại chỗ” khi “lũ chồng lũ, bão chồng bão” ở các tỉnh miền Trung vừa qua, trong đó các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa là điển hình.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả trước diễn biến bất thường của thiên tai, ngoài việc dựa vào sức dân, phương châm “4 tại chỗ” đã được hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa triển khai hiệu quả. Điểm chung của Nghệ An, Thanh Hóa là chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân và nhà nước. Các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triển khai các đội xung kích phòng, chống thiên tai ở từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó ngay từ giờ đầu, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt… Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", trong đợt mưa lũ, bão vừa qua, Nghệ An và Thanh Hóa đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Kết quả từ việc triển khai thực hiện “4 tại chỗ” ở Nghệ An, Thanh Hóa đã cho thấy, dù đầu tư nguồn lực lớn đến đâu, nhưng nếu coi nhẹ phương châm “4 tại chỗ” cũng như không có các giải pháp căn cơ, thì thiệt hại do thiên tai sẽ tiếp tục khó lường và sẽ là cản trở sự phát triển bền vững đất nước.

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy, trung bình hàng năm Việt Nam có 469.526 ngôi nhà bị phá huỷ do mưa lũ, mức thiệt hại do thiên tai ước tính hàng năm chiếm khoảng 1,5% GDP. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do hậu quả từ biến đổi khí hậu và tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.

Quỹ châu Á đã khuyến cáo một số giải pháp căn cơ để ngăn chặn và giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai, như cần quan tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây hồ điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; khai thông các đường thoát lũ với việc điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; quy hoạch bố trí dân cư hợp lý, xây dựng chương trình tổng thể phòng tránh lũ quét, sạt lở đất một cách đồng bộ... Bên cạnh đó, phải tạo được ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, tinh thần chủ động phòng chống thiên tai của nhiều cấp, ngành, chính quyền các địa phương, người dân ở các địa bàn thường xảy ra mưa lũ.

Sự cảnh báo đó là không thừa nếu như trong tiềm thức nhiều người vẫn tồn tại suy nghĩ “nắng mưa là chuyện của trời", nếu đâu đó, người dân cũng như các cấp chính quyền, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt, chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa thảm họa thiên tai, chờ “nước tới chân mới nhảy”. Thiên tai không trừ một quốc gia nào và hậu quả sẽ thật khủng khiếp nếu công tác phòng chống thiên tai bị lơ là, không có sự đồng thuận và chung tay góp sức của nhiều người.

Trong trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về tình hình khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh rằng: Chúng ta không thể loại trừ được thiên tai, nhưng chúng ta có thể tìm cách hạn chế và đưa ra các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại. Việc nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động phòng tránh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước là nhiệm vụ được đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân. Mưa lũ ở miền Trung trong những ngày qua để lại bài học thật sâu sắc: Nếu chủ động chung sống với mưa lũ, chủ động thực hiện “4 tại chỗ” để ngăn chặn, thì thảm họa từ thiên tai chắc chắn sẽ giảm nhẹ.

Yến Nhi