05:18 03/05/2019

Bốn tại chỗ phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng

Nguyên nhân hàng loạt vụ cháy chung cư, nhà cao tầng xảy ra gần đây tại Hà Nội chủ yếu do chập điện. Nhưng điều đáng nói là công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và phương tiện chữa cháy tại chỗ của các nhà cao tầng hiện nay gần như “bằng không”. Thêm vào đó, khi lực lượng cảnh sát PCCC đến hiện trường đều phải “len lỏi” giữa dòng người, phương tiện, ngõ phố nhỏ hẹp, nên gặp nhiều khó khăn trong việc chữa cháy.

Đáng lo ngại

Vụ cháy chung cư cũ A12 Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) hồi tháng 12/2018 là ví dụ điển hình.

Nguyên nhân cháy, theo cơ quan chức năng là do chập điện. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là công tác PCCC tại đây từ lâu Ban quản lý chung cư và chính người dân bỏ ngỏ, nhất là tình trạng nhiều hộ dân, nhưng chỉ có vài ba chiếc bình cứu hỏa hoen rỉ, hết hạn sử dụng. Cùng với đó là hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ từ hệ thống mạng điện chằng chịt, bó thành từng búi với dây cáp viễn thông và dây phơi quần áo… Do đây là khu tập thể cũ 5 tầng, phía trên có nhiều chuồng cọp, nên khi xảy ra cháy, khói đậm đặc lan nhanh theo cầu thang bộ từ tầng 3 lên tầng 4, khiến nhiều người dân hoảng loạn. Vụ cháy còn khiến giao thông tại ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc ùn tắc, gây khó khăn cho lực lượng PCCC.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng dập tắt đám cháy tại khu đô thị Trung Văn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Gần đây nhất, ngày 12/4, vụ cháy xưởng nhựa tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm làm 8 người chết cũng là do chập điện. Ngay sau khi xảy ra hoả hoạn, lực lượng cảnh sát PCCC đã điều động hàng chục xe chữa cháy đến hiện trường. Song, khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư dài hàng trăm mét, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, đồ gỗ, nên đã cháy lan và nhanh chóng thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng.

Hay vụ cháy ngày 16/4 tại một căn hộ trên tầng 32 chung cư HH2C Linh Đàm (Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) mới đây cũng là do việc sử dụng điện bất cẩn của người dân, may mắn sau đó, ngọn lửa đã được khống chế kịp thời...

Theo thống kê của cảnh sát PCCC Hà Nội, tháng 4/2019, thành phố xảy ra 45 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy nghiêm trọng, 16 vụ cháy trung bình, 26 vụ cháy nhỏ, làm 10 người chết, 14 người bị thương. Đối với loại hình nhà chung cư, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xảy ra 10 vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng, mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp, bởi ý thức thiếu trách nhiệm của người dân và chủ đầu tư.

Thành phố Hà Nội hiện có 1.109/1.407 chung cư, nhà cao tầng đang hoạt động thuộc diện quản lý của Nhà nước nhưng không bảo đảm điều kiện, vi phạm quy định, không duy trì phương án PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Qua tìm hiểu, phần lớn các vụ cháy nhà cao tầng, xưởng sản xuất liền kề nằm trong khu dân cư, khu đô thị đều xuất phát từ việc sử dụng điện bất cẩn. Do áp lực về diện tích ở, sản xuất, nên nhiều nơi diễn ra tình trạng cơi nới bừa bãi, không quan tâm tới công tác phòng chống, xử lý cháy nổ tại chỗ hoặc có thì chỉ mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng. Nếu xảy ra cháy, gần như bất lực nhìn “bà hỏa” thiêu rụi tài sản, chưa kể đến tính mạng con người.

Tổng kiểm tra PCCC nhà cao tầng

Thạc sĩ Phạm Việt Tiến, Phó Trưởng khoa Cứu nạn, cứu hộ (Trường Đại học PCCC) phân tích, tại các chung cư, nhà cao tầng hiện nay luôn tồn tại lượng lớn chất cháy, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, vật liệu trang trí nội thất và dưới tầng hầm là xe máy, ô tô chứa xăng, dầu, chất dẫn cháy.

Các vật liệu này khi có cháy thì sự trao đổi khí bị hạn chế, tạo nhiều khói, khí độc, gây khó khăn cho công tác PCCC, cứu nạn, thoát nạn. Đám cháy xảy ra ở các tầng càng cao, thì công tác tổ chức PCCC càng khó.

Chú thích ảnh
Kiểm tra công tác PCCC chung cư. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Thực tế, tại nhiều tòa nhà chung cư hiện nay, lối thoát nạn đã bị bịt để sử dụng vào những mục đích khác nhau. Nghiêm trọng hơn cả là việc chấp hành các quy định PCCC trong tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, nghiệm thu, hoạt động của chủ đầu tư, ban quản lý chung cư vẫn chưa đầy đủ, phổ biến là vi phạm về các điều kiện ngăn cháy lan, thoát nạn, hệ thống, thiết bị PCCC hạn chế. Tại các khu nhà ở xã hội, nhà tái định cư, chung cư mini, chung cư cũ, hệ thống thiết bị PCCC chỉ duy trì ở mức tối thiểu, thậm chí bằng không.

Quý I/2019, Công an thành phố đã kiểm tra 631/1.407 lượt công trình, qua đó phát hiện 594 công trình vi phạm các quy định về PCCC.

Cụ thể, có 38 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, 336 công trình có hồ sơ không bảo đảm và 220 công trình không bảo đảm các điều kiện về PCCC. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 41 công trình, phạt số tiền hơn 840 triệu đồng.

Nhằm ngăn ngừa cháy, nổ nhà cao tầng, Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-CAHN-PV01-PC07 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội” năm 2019.

Từ quý II/2019, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiến hành điều tra cơ bản và tổng kiểm tra tất cả các chung cư, nhà cao tầng, nhằm tổng hợp, phân loại để có biện pháp quản lý phù hợp và kiên quyết xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động những công trình, hạng mục công trình vi phạm nghiêm trọng hoặc không khắc phục các tồn tại về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chủ trương không cấp phép mới các dự án xây dựng nhà chung cư, nhà cao tầng đối với các chủ đầu tư đang có công trình vi phạm quy định về PCCC.

“Các công trình nhà cao tầng cần thực hiện phương châm ‘Coi phòng cháy là chính, là cơ bản, chữa cháy là kịp thời’ để thực hiện có hiệu quả phương châm ‘Bốn tại chỗ’ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nhằm để chủ động ngăn chặn sớm, xóa bỏ những nguy cơ có thể cháy, nổ và xử lý ngay những đám cháy từ khi mới bắt đầu”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết.
Đăng Sơn/Báo Tin tức