10:19 12/10/2017

Bốn nguyên nhân gây ra ‘khủng hoảng thị thực’ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

“Khủng hoảng thị thực” bắt đầu từ vụ bắt giữ Metin Topuz, nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp và có liên hệ với giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Trong mấy tháng gần đây, hàng loạt yếu tố đã góp phần làm chia rẽ quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng giữa hai nước một lần nữa lại leo thang sau khi ngày 8/10, Mỹ quyết định tạm dừng cấp tất cả thị thực không định cư đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Vài giờ sau đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng biện pháp trả đũa tương tự. Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã gây ra “khủng hoảng thị thực” Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ?

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nhân viên lãnh sự Mỹ.

“Khủng hoảng thị thực” được khơi mào bằng vụ bắt giữ Metin Topuz, nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ vào ngày 4/10 với cáo buộc hoạt động gián điệp và có liên hệ với giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, vốn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã chủ mưu vụ đảo chính quân sự bất thành vào tháng 10/2016 tại nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa, trái) trong cuộc gặp ở New York, Mỹ ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin Hurriyet, ông Topuz bị cáo buộc đã trao đổi qua điện thoại với các đối tượng cầm đầu của “mạng lưới Gulen”. 

Tuy nhiên, tuyên bố trên trang mạng của Đại sứ Mỹ John Bass tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “trao đổi với cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong nhiệm vụ của Topuz” và Ankara không có bằng chứng chứng minh Topuz dính líu đến bất kỳ hành vi phạm pháp nào. 

Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết một nhân viên khác của Lãnh sự quán Mỹ cũng bị triệu tập để giải trình về những mối liên hệ nghi vấn với giáo sỹ Gulen.

Thứ hai, một số công dân Mỹ bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.

Kể từ vụ đảo chính bất thành tháng 7/2016, một số công dân Mỹ đã bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ do có mối liên hệ với giáo sỹ Gulen, trong đó có nhà truyền giáo Cơ đốc Andrew Brunson, bị bắt giam từ tháng 10/2016.

Phát biểu tại Phủ Tổng thống tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dường như ngụ ý rằng số phận của Brunson phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của Washington đối với yêu cầu bắt giữ giáo sỹ Gulen hiện đang sống lưu vong tại Mỹ: “Nhà truyền giáo mà chúng tôi bắt giữ đang bị xét xử, trong khi giáo sỹ mà Mỹ quản lý đang sống tự do tại Pennsylvania. Mỹ có thể dễ dàng chuyển giao ông ta (Gulen) cho chúng tôi và có thể chuyển giao ngay lập tức.”

Nhưng các quan chức Mỹ không chia sẻ quan điểm đó. Khi được hỏi liệu Mỹ có đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Gulen của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết bà không thể hình dung việc Chính phủ Mỹ sẽ hành xử theo hướng đó.

Thứ ba, các cận vệ của Tổng thống Erdogan bị chính phủ Mỹ kết tội.


Các cận vệ riêng của Tổng thống Erdogan đang đối mặt với cáo buộc phạm tội do liên quan đến các đụng độ bạo lực với người biểu tình phía ngoài khu nhà riêng của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ vào tháng 5 vừa qua. 

Ankara không hài lòng sau khi nghị quyết lên án vụ đụng độ được nhất trí thông qua tại Hạ viện Mỹ chỉ vài tuần sau khi sự việc xảy ra. 

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao nước này đã gọi hành động của phía Mỹ là “đi ngược lại tinh thần của mối quan hệ đối tác và liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ”.

Tháng trước, Mỹ cũng đã kết tội cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan với cáo buộc âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Điểm cuối cùng, Mỹ ủng hộ các tay súng người Kurd tại Syria.


Lâu nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích Mỹ vì đã trợ giúp vũ khí cho các tay súng thuộc Đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG) tại Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Ankara coi lực lượng YPG là chi nhánh của đảng Công nhân người Kurd, tổ chức đã phát động cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ hơn 3 thập kỷ qua và bị Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu coi là nhóm khủng bố.

Đình Lượng/Báo Tin Tức