06:06 07/06/2016

Bốn cuộc khủng hoảng ở châu Âu

Bài viết của tác giả Stephan Frühling, Giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Australia, đăng trên trang của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Australia mới đây nhận định rằng châu Âu không chỉ trải qua cuộc khủng hoảng di cư mà còn phải xử lý đồng thời bốn cuộc khủng hoảng lớn khác.

Tác giả đặt ra các câu hỏi: Tại sao các nước châu Âu rất khó khăn trong tìm một giải pháp chung? Tại sao châu Âu nước thì mở cửa đón người tị nạn, nước lại đóng cửa biên giới? Quan điểm và chính sách cứng rắn gần đây có phải là dấu hiệu của tâm lý bài Hồi giáo?

Muốn hiểu được phản ứng của châu Âu trước làn sóng tị nạn cần phải coi khủng hoảng di cư chỉ là một trong 5 cuộc khủng hoảng lớn mà châu Âu phải đối mặt. Tất cả các cuộc khủng hoảng này đan xen vào nhau, từ một vấn đề nhân đạo đã trở thành một thách thức địa chính trị với châu Âu.

Người di cư tới cảng Reggio Calabria, Italy ngày 29/5 sau khi được tàu Vage của Hải quân Italy cứu trên biển. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tiên, châu Âu đã rơi vào cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp trong một thời gian dài. Thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về các hiệp ước châu Âu trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 chứng minh rằng hội nhập châu Âu từ lâu đã mất đi sự ủng hộ rộng rãi. Các đảng cánh hữu ở Pháp, Áo và các nước khác đã thách thức giới chính trị cầm quyền từ trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Việc bỏ phiếu về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Cuộc khủng hoảng thứ hai của châu Âu là khủng hoảng kinh tế. Nhiều quốc gia Nam Âu không đạt tăng trưởng đáng kể từ giữa những năm 2000. Nhiều nước liên tục cắt giảm trợ cấp xã hội và thất nghiệp. Gói giải cứu Hy Lạp đang gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước phía nam và phía bắc.

Cuộc khủng hoảng thứ ba là với Nga. Ở Đông Âu, vẫn thực sự tồn tại tâm lý lo sợ Nga sẽ gây hấn thêm. Đến giữa năm 2015, các quan chức cấp cao của châu Âu lo ngại rằng NATO ngày càng chia rẽ giữa một bên là phía Nam và một bên là phía Đông. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Nga sử dụng cuộc khủng hoảng người di cư để chia rẽ các nước châu Âu.

Cuối cùng, châu Âu còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khủng bố Hồi giáo. Phần lớn các mối đe dọa xuất phát từ chính trong nước, như các cuộc tấn công ở Paris và Brussels, song thực sự là nguy cơ có thật và nguy hiểm. Lực lượng an ninh nội địa ở châu Âu dàn hết lực lượng đối phó với các mối đe dọa an ninh từ trước khi người tị nạn có mặt.

Nhìn tổng thể, các cuộc khủng hoảng này đã đặt ra nhiều vấn đề. Các giải pháp chính trị chủ yếu nhằm cải thiện biên giới bên ngoài châu Âu, như chuyển đổi FRONTEX (kế hoạch phòng chống người nhập lậu của châu Âu) sang một lực lượng bảo vệ biên giới châu Âu thực sự hoặc hình thành hệ thống ngăn chặn người tị nạn châu Âu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ hiện nay, vốn đang chịu áp lực lớn từ tình hình chính trị trong nước và các vấn đề quốc tế.

Giải quyết dần dần vấn đề hóc búa này là những gì tốt nhất mà châu Âu có thể làm. Hy vọng rằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đưa người tị nạn trở lại sẽ được duy trì; lực lượng tuần tra hải quân và hỗ trợ chính phủ Libya có thể giúp ổn định tình hình nước này. Ngoài ra, có thể cân nhắc khả năng đưa Hy Lạp trở thành trụ cột cho vấn đề người tị nạn để đổi lại việc giảm nợ cho nước này. Cuộc khủng hoảng trước mắt có thể giảm bớt song kết quả vẫn còn chưa chắc chắn trong bối cảnh cả châu Âu lẫn người tị nạn đang tuyệt vọng tìm kiếm nơi trú ẩn trên các bờ biển của châu lục này.
TTK