08:00 08/08/2012

Bombingham-Kỳ 5: Thời của Baxley

Năm 1970, luật sư William J. Baxley, 28 tuổi, được cử giữ chức Tổng Chưởng lý của bang Alabama. Vị luật sư trẻ tuổi này lớn lên ở Alabama và khi xảy ra vụ đánh bom nhà thời Baptitst, anh đang học đại học.

Tổng chưởng lý Alabama, ông William J. Baxley.

Năm 1970, luật sư William J. Baxley, 28 tuổi, được cử giữ chức Tổng Chưởng lý của bang Alabama. Vị luật sư trẻ tuổi này lớn lên ở Alabama và khi xảy ra vụ đánh bom nhà thời Baptitst, anh đang học đại học. Sự kiện này đã ảnh hưởng mạnh đến chàng trai trẻ và anh đã nói với các bạn học rằng, nếu anh có quyền giải quyết vụ án, anh sẽ làm đến cùng. Baxley tâm sự với Patsy Sims, tác giả cuốn “The Klan”: “Vụ đánh bom nhà thờ Baptist khiến tôi thực sự đau lòng. Tôi hy vọng vụ án này sẽ được đưa ra ánh sáng và những kẻ phạm tội phải bị trừng phạt”.


Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1964, Baxley trở thành trợ lý cho chưởng lý thành phố Dothan ở nam Alabama. Gần 6 năm sau đó, Baxley đảm nhận công việc của một công tố viên cho đến khi được tín nhiệm bầu làm Tổng Chưởng lý bang Alabama. Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng Chưởng lý đã tuyên bố với nhân viên cấp dưới rằng, giải quyết vụ đánh bom nhà thờ Baptist sẽ là ưu tiên trong thời gian ông tại vị.


 

Bìa cuốn sách “The Klan” viết về KKK và vụ đánh bom nhà thờ Baptist.

Trong những năm tiếp theo, các điều tra viên của Baxley đã làm việc không mệt mỏi để giải quyết vụ án này. Họ thẩm vấn lại các nhân chứng, phát triển mạng lưới người đưa tin và đi hàng nghìn dặm để tìm kiếm những manh mối đã bị chôn sâu. Nhưng đến năm 1973, họ buộc phải thừa nhận một sự thật là cuộc điều tra không thu được nhiều kết quả. Baxley hiểu rằng, để giải quyết vụ án, ông cần biết FBI đã thu thập được những gì.


Mặc dù Giám đốc Hoover đã ra lệnh ngừng điều tra vụ án này từ nhiều năm trước nhưng FBI vẫn đang nắm trong tay những bộ hồ sơ nhiều tập về vụ đánh bom nhà thờ Baptist. FBI đã mất nhiều năm ở Birmingham, tìm hiểu hàng trăm người và có cả một mạng lưới “tay trong” ở KKK. Và gần như không có bằng chứng về việc KKK đứng sau vụ này.


Tuy nhiên, FBI không muốn chia sẻ tài liệu của mình với nhà chức trách địa phương. Chính sách nhất quán của cơ quan điều tra này là không ai được chia sẻ bất cứ thông tin gì nếu không được phép của cá nhân Giám đốc Hoover. Thực tế này đã cản trở nhiều cuộc điều tra ở cấp bang và khiến nhiều cơ quan thực thi pháp luật địa phương tức giận suốt hàng chục năm trời. Trong cuốn “The Klan”, tác giả Patsy Sims cho biết: “FBI giải thích về sự lưỡng lự trong hỗ trợ Baxley là vì e ngại các phần tử khủng bố thông đồng với cơ quan thực thi pháp luật địa phương”. Hệ quả từ sự lưỡng lự đó là cuộc điều tra bị đình trệ trong nhiều năm liền.


Baxley liên tục gây sức ép với Bộ Tư pháp Mỹ qua những chuyến công tác thường xuyên tới Oasinhtơn đồng thời đích thân gặp gỡ các quan chức liên bang. Tổng Chưởng lý Alabama kêu gọi Tổng Chưởng lý Hoa kỳ giúp đỡ và viết thư gửi tới các nghị sĩ để nói về việc FBI đang trở thành một rào cản công lý như thế nào.


Mặc dù vậy FBI vẫn không lay chuyển. Cho đến năm 1976, khi Baxley đe dọa đưa phụ huynh của bốn bé gái thiệt mạng trong vụ đánh bom nhà thờ Baptist tới buổi họp báo diễn ra bên đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln và sẽ nói với báo chí về việc FBI từ chối cung cấp thông tin quan trọng thì cơ quan này mới chịu xuống nước. Mùa xuân năm 1976, các tập hồ sơ về vụ đánh bom nhà thờ Baptist được chuyển đến cho Baxley và đội ngũ điều tra viên của ông.


Một lần nữa, cuộc điều tra lại được tiếp tục. Trên báo chí xuất hiện những thông tin cho rằng vụ án sắp được làm sáng tỏ. Tin đồn rằng quyền lực của KKK chẳng mấy chốc sẽ lụi tàn được lan truyền khắp Birmingham.


Trong thời gian này, Baxley đã cố gắng thuyết phục được Cobbs Elizabeth, cháu gái Robert Chambliss, ủng hộ cuộc điều tra. Cô đã cung cấp cho văn phòng của tổng chưởng lý bằng chứng về những tuyên bố của Robert Chambliss trước và sau vụ đánh bom.


Tháng 9/1977, một hội thẩm đoàn được thành lập để nghe những lời chứng liên quan đến sự tham gia của "Bob thuốc nổ" Chambliss trong vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Ngày 24/9, một cáo trạng được đưa ra nhằm buộc tội Chambliss vì hành vi sát hại Carol Denise McNair.


Tháng 11/1977, phiên tòa xét xử Robert Chambliss đã được mở tại trụ sở tòa án quận Jefferson trung tâm thành phố Birmingham. Nhân chứng quan trọng nhất tại phiên tòa này là cháu gái Elizabeth Cobbs của bị cáo. Ngày 19/11, Chambliss bị kết tội sát hại Carol Denise McNair và bị kết án tù chung thân.


"Thưa ngài Thẩm phán, tôi thề có Chúa tôi không đánh bom nhà thờ”, Chambliss nói trước tòa vào lúc tuyên án: "Tôi không đánh bom gì cả!". Phó cảnh sát trưởng đã dẫn giải kẻ phạm tội bị còng tay này đi. Tám năm sau, vào ngày 28/10/1985, Chambliss chết trong tù. Đến phút cuối, ông ta vẫn phủ nhận việc tham gia vào vụ đánh bom và không khai ra bất kỳ thành viên nào khác của KKK.


Trong 15 năm sau đó, vụ án gần như không có tiến triển. Có vẻ như đích đến của cuộc hành trình đi tìm công lý đã kết thúc tại đây.


Luật pháp của bang Alabama không cho phép một người được đảm nhận cương vị tổng chưởng lý nhiều hơn 2 nhiệm kỳ nên Baxley phải rời khỏi chiếc ghế này. Baxley đã cố gắng tham gia chạy đua vào ghế thống đốc bang nhưng không thành công. Người kế nhiệm ông không mặn mà với vụ án này và kết quả là cuộc điều tra gần như bị lãng quên.


Cuối những năm 1980, mặc dù đã có những cố gắng nhằm khởi động lại cuộc điều tra, song những nỗ lực này không đi đến đâu.


Nguyễn Bình

 

Đón đọc kỳ 6: Tìm lại công lý