10:23 16/10/2012

Bơi kiểu samurai ở Nhật Bản

Đi bộ hoặc chạy trong bộ áo giáp samurai đã là một việc không dễ dàng. Bơi trong thứ trang phục này lại càng khó khăn hơn, nhưng đó là môn thể thao mà nhiều người Nhật Bản đang theo đuổi, vì cả sức khỏe và tinh thần.

Đi bộ hoặc chạy trong bộ áo giáp samurai đã là một việc không dễ dàng. Bơi trong thứ trang phục này lại càng khó khăn hơn, nhưng đó là môn thể thao mà nhiều người Nhật Bản đang theo đuổi, vì cả sức khỏe và tinh thần.


 

Bác sĩ Mutsuo Koga say mê tập bơi trong bộ giáp nặng 15 kg của võ sĩ đạo.

“Thật nặng nề và nóng bức. Tôi cứ lo không biết mình có thể nổi trên mặt nước hay không. Đã ba năm nay tôi không bơi lội gì”, bác sĩ Mutsuo Koga, 27 tuổi, nói trong lúc đang chuẩn bị xuống bể bơi.


Bơi truyền thống từng rất phát triển vào thế kỷ 15 và 16 ở Nhật Bản, thời hoàng kim của các kiếm sĩ samurai. Xuất phát là một trong những kỹ thuật để sống sót với các chiến binh thời phong kiến, bơi kiểu samurai đã dần trở thành một môn nghệ thuật truyền thống với những trình diễn đầy tính thẩm mỹ. Ngày nay, môn bơi này cũng đã giành một chỗ đứng trong “ngôi đền” võ thuật Nhật Bản.


Giống như tất cả các môn võ thuật khác, bơi samurai cũng có những ứng dụng rất thực tế. “Mục tiêu chính của kiểu bơi này là đạt được những kỹ năng thực tiễn trong môi trường tự nhiên”, ông Takao Koga, cha của Mutsuo, cho biết. Ông Koga, 67 tuổi, là hiệu trưởng của trường dạy bơi Kobori, một trong 12 trường được Liên đoàn bơi lội Nhật Bản (JSF) công nhận. “Nếu bạn có thể bơi nhanh với kỹ thuật phương Tây, điều đó không có nghĩa bạn có thể sống sót trong môi trường tự nhiên”, ông nói.


Thời của các samurai, mặc dù không được thực hành rộng rãi như kiếm thuật nhưng bơi chiến đấu vẫn là một phần quan trọng trong đời sống tập luyện của các võ sĩ đạo. Việc một chiến binh phải tập luyện kỹ năng bơi là đương nhiên bởi Nhật Bản bao quanh là biển, nơi các trận chiến có thể diễn ra.


Các chiến binh đã đạt đến trình độ cao về bơi và chiến đấu trong nước. Tùy thuộc vào tốc độ dòng chảy, độ rộng và sâu của vùng nước mà các chiến binh đã phát triển các kỹ năng bơi khác nhau. Bơi chiến đấu phục vụ nhiều mục đích, chẳng hạn do thám đối phương, giữ nổi trong một khoảng thời gian dài, bơi ngang những dòng sông chảy siết. Một võ sĩ đạo cần phải bơi tốt khi mặc áo giáp, mang cờ hoặc vũ khí. Những võ sĩ truyền thống ở đẳng cấp cao còn phải làm chủ kỹ thuật đi trên mặt nước, cho phép họ có thể vượt qua được những cơn sóng mạnh. Họ cũng phải học “hayanuki”, một kỹ thuật rất quan trọng để bơi ngược dòng.


Ngày nay, bơi kiểu samurai đang được một số người Nhật Bản tập luyện như một cách rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Khó khăn lớn nhất của những người tập luyện là ở chỗ họ phải bơi được trong khi khoác trên người bộ giáp nặng 15 kg. Khẩu hiệu của môn thể thao này là “phải đua tranh về nghi thức và vẻ đẹp, thay vì tốc độ”, Yoko Suzuki, 25 tuổi, nhà vô địch bơi truyền thống nữ, nói.


Theo ông Masahiko Yaginuma, Chủ tịch Ủy ban Bơi truyền thống Nhật Bản của JSF, bơi kiểu samurai từng được phổ biến rộng rãi tại các trường học từ đầu thế kỷ 20, nhưng ngày nay chỉ còn thấy ở một số ít trường. “Ngày nay, phụ nữ ở độ tuổi 60 là những học viên chính, vì với họ, bơi kiểu samurai cũng là một kỹ năng mà một phụ nữ Nhật Bản truyền thống nên học, giống như cắm hoa hay trà đạo”, ông Yaginuma nói.


Ông Antony Cundy, một giám đốc quảng cáo người Anh tại Tôkyô, từng bỏ nhiều năm dạy kèm cho trường Kobori, cũng cho biết, việc tập luyện bơi truyền thống có nhiều lợi ích thiết thực: “Đó là một cách thú vị để tập luyện sức khỏe cũng như thưởng thức văn hóa và lịch sử Nhật Bản. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người nước ngoài cũng thích thú môn này”.


Thu Hằng