03:10 08/03/2011

Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu hàng đầu mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đề ra.

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu hàng đầu mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đề ra.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp thân mật 100 phụ nữ tiêu biểu xuất sắc của Thủ đô. Ảnh: Thái Bình- TTXVN


Hướng đến mục tiêu này, nhiều hoạt động tích cực đã và đang được thực hiện, để nâng dần tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nâng cao chất lượng nữ đại biểu Quốc hội của nước ta trong thời gian tới.

Nhiều hoạt động tích cực

Về phía Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, để tăng cường tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, trong năm 2010, Ủy ban quốc gia (UBQG) đã tổ chức 2 lớp thí điểm tập huấn cho 20 nữ đại biểu dự kiến sẽ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội HĐND các cấp vào nhiệm kỳ 2011- 2016 của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giảng viên là những đại biểu Quốc hội, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội như: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại; bà Nguyễn Phương Thảo, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; bà Trương Thị Mai, Chủ tịch nhóm nữ nghị sỹ Việt Nam… để trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, cách làm cho nữ đại biểu.

Bên cạnh đó, thông qua một dự án có liên quan, các chuyên gia Na Uy đã sang giúp đào tạo các giảng viên nguồn để chuẩn bị cho việc tập huấn cho các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Những lớp tập huấn này trong năm 2011 vẫn tiếp tục được tổ chức.

Đồng thời, các ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở cơ sở đang tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng địa phương để giới thiệu những nhân sự tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp; tham gia với hội đồng bầu cử để có số dư hợp lý trong số các đại biểu tham gia danh sách ứng cử để bầu vào cơ quan dân cử các cấp…

Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XII tại buổi gặp mặt do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tháng 6/2010. Ảnh: Thái Bình- TTXVN


Nhóm nữ nghị sỹ Việt Nam được thành lập tháng 5/2008 với sự tham gia tự nguyện của hơn 100 nữ đại biểu Quốc hội cũng đóng góp tích cực nhằm nâng cao chất lượng của nữ đại biểu Quốc hội. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ tịch nhóm nữ nghị sỹ, nhóm đã tiến hành các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức cho nữ đại biểu về những vấn đề liên quan đến giới, bình đẳng giới trong các đạo luật đang được Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII; đồng thời nâng cao kỹ năng cho nữ đại biểu Quốc hội trong việc phân tích giới, lồng ghép giới vào các dự án luật.

Nhóm cũng đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức các hội nghị, hội thảo về bình đằng giới trong chính sách, pháp luật; bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, giới và biến đổi khí hậu; thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; lồng ghép giới trong quy trình lập pháp, trong hoạt động giám sát, trong các dự án luật đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua...

Song song với các kỳ họp Quốc hội, các thành viên trong nhóm còn tham gia hoạt động thông qua trang thông tin điện tử của nhóm, có kết nối với Liên minh nghị viện thế giới... Hơn 2 năm qua hoạt động vừa qua cho thấy, nhóm nữ nghị sỹ thực sự là một diễn đàn để các nữ đại biểu gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm hoạt động của các nhóm nữ nghị sĩ quốc tế, giúp tạo dựng một hình ảnh ngày càng tốt đẹp hơn về nữ đại biểu Quốc hội.

Hiện nay, với 127 đại biểu nữ của Quốc hội khóa XII, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 5 châu Á và xếp thứ 36 trên tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới IPU ngày 30/11/2010). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỷ lệ đó vẫn chưa tương xứng so với tỷ lệ nữ trong dân số, trong lực lượng lao động nước ta hiện nay.

Trong thời gian tới, theo bà Trương Thị Mai, mong muốn lớn nhất của nhóm nữ nghị sỹ là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sẽ đạt 30% mà điều này phụ thuộc rất lớn ở sự ủng hộ của nhân dân. "Người dân nên dành sự ủng hộ cho các nữ đại biểu Quốc hội. Bởi kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, khi việc nâng tỷ lệ nữa đại biểu Quốc hội tăng lên thì các đề xuất chính sách liên quan đến bình đẳng giới, liên quan đến phụ nữ, trẻ em sẽ được tăng cường hơn", bà Mai nói.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2010. Chiến lược hướng đến mục tiêu năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chiến lược đặt chỉ tiêu: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016- 2020 đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016- 2020 trên 35%. Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhận định, còn nhiều khó khăn để có thể đạt được chỉ tiêu đó.

Thực tế, Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của nước ta đề ra chỉ tiêu đến năm 2010, có 15% nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhưng kết quả, sau 10 năm thực hiện, chỉ mới đạt được 9%; tỷ lệ này ở cấp tỉnh chỉ mới 11,8%. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, nếu cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc cùng với những giải pháp vừa cụ thể, vừa thiết thực, chuẩn bị nguồn lực cán bộ ngay từ bây giờ thì đến năm 2020, vẫn có thể đạt được mục tiêu nói trên.

Cần tiến hành rà soát các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu, xác định những điều bất hợp lý và bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những quy định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Bình đẳng giới; thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể đi kèm với giải pháp thực hiện. Việc tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ cũng cần được tăng cường....

Ông Tiến cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ tham chính như chiến lược đề ra cần một quá trình. Ngay từ bây giờ, phải thực hiện một dự án mang tính tổng thể để bồi dưỡng cho các đại biểu đã được bầu trong nhiệm kỷ 2011-2016, để cử tri các cấp nhìn thấy chất lượng nữ đại biểu của ta đã được nâng lên. Đồng thời, cũng phải bồi dưỡng các cán bộ để chuẩn bị nguồn cho bầu cử năm 2016.

Mạnh Minh