03:13 18/03/2019

Boeing sắp hoàn tất quy trình cập nhật phần mềm liên quan máy bay 737 MAX

"Đại gia" sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) ngày 17/3 khẳng định đang chuẩn bị hoàn tất quy trình cập nhật phần mềm và chương trình huấn luyện phi công liên quan tới hệ thống an toàn tự động (MCAS) vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn ngừa nguy cơ máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm.

Chú thích ảnh
Máy bay 737 MAX của Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng và được cho là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến hơn 300 người thiệt mạng trong 6 tháng qua.

Trong thông báo mới đưa ra, Giám đốc điều hành (CEO) Boeing Dennis Muilenburg cho biết Boeing đang hoàn tất quy trình cập nhật phần mềm và điều chỉnh chương trình huấn luyện phi công. Việc cập nhật phần mềm sẽ giúp khắc phục sự cố hệ thống MCAS trong trường hợp dữ liệu cảm ứng đầu vào bị lỗi. Trong khi đó, người phát ngôn Nghiệp đoàn Phi công Mỹ Dennis Tajer cho biết quy trình huấn luyện phi công sẽ bổ sung một đoạn video dài khoảng 10-15 phút giới thiệu về phần mềm mới cập nhật. Một chương trình huấn luyện cụ thể sẽ chỉ được hoàn thiện sau khi lỗi phần mềm được khắc phục. Dự kiến, Boeing sẽ công bố phần mềm và chương trình huấn luyện mới trong vòng một tuần đến 10 ngày tới.

Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành chế tạo máy bay đều tỏ ra thận trọng khi cho rằng việc nâng cấp MCAS không thực sự giúp khắc phục triệt để lỗi hệ thống đã làm các máy bay của hai hãng hàng không Ethiopia Airlines và Lion Air rơi trong vòng 6 tháng qua. Trong thông báo của CEO Boeing cũng có nội dung phần nào thừa nhận luận điểm này. Ông Muilenburg cho biết quá trình nâng cấp MCAS đang diễn ra song song với các cuộc điều tra của giới chức về hai vụ tai nạn đều liên quan tới mẫu 737 MAX mà Boeing mới tung ra thị trường hồi tháng 5/2017.

Trước đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) ngày 17/3 khẳng định tuân thủ mọi quy trình tiêu chuẩn khi cấp phép sử dụng với dòng máy bay 737 MAX của Boeing sau khi hai tai nạn hàng không xảy ra với loại máy bay này trong vòng 6 tháng qua đã khiến hơn 300 người thiệt mạng làm dấy lên không ít hoài nghi về hệ thống tránh chết động cơ.

FAA khẳng định chương trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX tuân theo các quy trình tiêu chuẩn của cơ quan này. Các quy trình được thiết kế chặt chẽ và đều đã cho ra những mẫu thiết kế máy bay an toàn. Tuy vậy, việc vụ tai nạn của Ethiopia Airlines khiến 157 người thiệt mạng ngày 10/3 vừa qua có nhiều điểm tương đồng với vụ tai nạn của hãng Lion Air hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng đã làm dấy lên không ít hoài nghi về quy trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX. Loại máy bay này chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017 để cạnh tranh với dòng máy bay A320 Neo của Airbus.

Cũng trong ngày 17/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ethiopia Dagmawit Moges cho biết quá trình nghiên cứu dữ liệu chuyến bay gặp nạn của hãng Eithiopia Airlines chỉ ra những đặc điểm tương đồng rõ ràng giữa hai vụ tai nạn.

Các nhà điều tra vụ máy bay của hãng Lion Air rơi xuống biển hồi tháng 10/2018 tập trung phân tích nguyên nhân có thể do lỗi MCAS vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn chặn khả năng máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng. Các chuyên gia bắt đầu nghi ngờ quy trình cấp phép của FAA sau khi phát hiện ra rằng hệ thống này đã nhận không ít phản ánh có vấn đề nghiêm trọng từ các phi công Mỹ.

Báo Seattle Times ngày 17/3 đưa tin FAA đã ủy quyền một phần quy trình cấp phép máy bay (trong đó bao gồm phần đánh giá với hệ thống MCAS) cho các kỹ sư của Boeing. Seattle là nơi đặt địa điểm chế tạo các máy bay của Boeing. Báo này còn cho rằng những phân tích an toàn đầu tiên được Boeing gửi tới FAA có chứa nội dung nêu rõ "một số thiếu sót cơ bản".

Tờ báo này còn cáo buộc quy trình cấp phép đã được tiến hành "vội vã" vì khi đó Boeing cần nhanh chóng tung dòng máy bay này ra thị trường để cạnh tranh với A320 Neo của Airbus. FAA đã từ chối bình luận về các thông tin trên báo Seattle Times và cho biết quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành. Trong thông báo gửi tới báo Seattle Times, Boeing khẳng định FAA đã xem xét cấu hình cuối cùng cũng như những chỉ số vận hành của MCAS trong quá trình đánh giá và đưa ra kết luận hệ thống đáp ứng tất cả yêu cầu cấp phép và quản lý.

Từ năm 2009, do áp lực cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA đã ủy quyền một số giai đoạn trong quy trình cấp phép cho các nhà sản xuất máy bay hoặc cho các chuyên viên bên ngoài. FAA cũng bảo vệ cơ chế ủy quyền này và khẳng định rằng 737 MAX đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá kỹ càng cùng với sự tham vấn các cơ quan hàng không khác trước khi được cấp phép.

Cùng ngày, hai quan chức Mỹ cho hay các quan chức nước này vẫn chưa xác nhận dữ liệu thu được từ hộp đen của máy bay hãng Ethiopian Airlines bị rơi, nhấn mạnh rằng cuộc điều tra vẫn đang giai đoạn đầu. 

Bùi Anh Quân (TTXVN)