06:12 05/06/2021

Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khi xảy ra các tình huống dịch tại khu công nghiệp

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn xử lý khi xảy ra các tình huống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.

Chú thích ảnh
Đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các nhà  máy, khu công nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Bộ Y tế vừa ra Quyết định số 2787/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Hướng dẫn này nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp để đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội .

Hướng dẫn đã đưa ra cách xử lý trong các tình huống cụ thể như: Khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khi có ca bệnh tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu khi xuất hiện ca bệnh tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch như: Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp hoặc từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Thông báo cho toàn thể người lao động đang có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp; yêu cầu người lao động nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nguyên tắc 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.

Các khu công nghiệp cũng rà soát toàn bộ người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót; thực hiện cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với các trường hợp F2. Trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những trường hợp có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.

Các đơn vị lập danh sách người lao động là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tại thời điểm phong tỏa và gửi cho Sở Y tế, Trung tâm y tế cấp huyện nơi người lao động đang lưu trú để xử trí theo quy định; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cũng phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những người lao động theo nguy cơ. Đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc khác với khu vực có F0...

Đặc biệt, khi có kết quả xét nghiệm của ca bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp có các phương án xử lý tình huống tiếp theo như:

Tình huống phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh làm việc tại hầu hết các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp được coi là F1 thực hiện cách ly tập trung ngay. Đồng thời, tiến hành phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp; khẩn trương điều tra, truy vết tất cả các trường hợp có liên quan và thông tin cho các cơ quan liên quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp lân cận; thiết lập phương án cách ly tập trung ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp trong trường hợp cần cách ly tập trung số lượng lớn người lao động.

Tình huống phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh tập trung trong cùng 1 phân xưởng hoặc dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc phải cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Đồng thời, khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả người lao động trong cùng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc nơi có trường hợp mắc bệnh được coi là F1 và thực hiện cách ly tập trung ngay. Yêu cầu toàn bộ người lao động khai báo y tế bắt buộc với chính quyền địa phương và y tế cơ sở nơi cư trú để phối hợp theo dõi và quản lý.

Tình huống không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh; tất cả các mẫu xét nghiệm trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp âm tính thì các đơn vị rà soát toàn bộ người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp theo danh sách quản lý để tiếp tục theo dõi, giám sát và định kỳ thực hiện xét nghiệm sàng lọc để kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Đặc biệt, trong trường hợp xuất hiện ca bệnh tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, các đơn vị cũng áp dụng các biện pháp xử lý như trường hợp có ca bệnh. Đồng thời, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ và diễn biến dịch thực tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp; Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định việc tiếp tục hoặc dừng hoạt động để đảm bảo quy định phòng chống dịch và an toàn sản xuất.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức