05:17 26/05/2014

Bộ Y tế đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá

Chiều 26/5, Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá đã phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo "Cập nhật thông tin về Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá".

Chiều 26/5, Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá đã phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo "Cập nhật thông tin về Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá".

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Lương Ngọc Khuê cho biết, năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) là “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá.


Bộ Y tế đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá để giảm tiêu thụ.



Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Nếu không có các hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những ca tử vong này lẽ ra đã có thể tránh được.

Theo Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá, các nước cần thực hiện chính sách thuế và giá đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm tiêu thụ thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp và ngăn chặn những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc. Khi thuế thuốc lá tăng thêm 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở hầu hất các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hơn nữa, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được coi là biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả cao và chi phí thấp nhất.

Tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng).Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp (80%), Đức (73%), Úc (60%)... Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ (có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc). Tổng gánh nặng kinh tế do hút thuốc lá gây ra trong 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hoá trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ) ở Việt Nam năm 2011 là trên 23 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,91% tổng GDP của cả nước).

Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã thông qua việc phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 và ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt "Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đế năm 2020" trong đó qui định rõ mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc của nữ giới xuống dưới 1,4%.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá. Cụ thể là: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm năm 2015 cho giai đoạn 3 năm (2015 - 2017); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 105% lên 145% vào thời điểm 2018 cho giai đoạn 2 năm (2018 - 2019); tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020. Với lộ trình này, giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 21% giai đoạn 2015 - 2017 và 17% cho giai đoạn 2018 - 2019, cao hơn mức thu nhập đầu người cho các giai đoạn này, sẽ góp phần hạn chế sức tiêu thụ thuốc lá trong xã hội.


Thu Phương