12:14 11/12/2017

Bộ Y tế công bố kết quả đấu thầu thuốc tập trung

Ngày 11/12, Bộ Y tế tổ chức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia năm 2017.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết: Các gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia được duyệt lần này gồm 5 gói thầu là 5 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Trong đó có: Gói thầu 1: 5 mặt hàng thuốc biệt dược; Gói thầu 2: 17 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Bắc (trừ vùng trung du và miền núi phía Bắc); Gói thầu 3: 13 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; Gói thầu 4: 17 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên; Gói thầu 5: 16 mặt hàng thuốc generic cho các tỉnh miền Nam.

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu: Tổng giá  trúng thầu là hơn 2.269 tỷ đồng, so với tổng giá kế hoạch của 5 gói thầu này là 2.746 tỷ đồng, đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng hơn 114 tỷ đồng (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); các thuốc generic tiết kiệm được hơn 362 tỷ đồng (giảm 33% so với giá kế hoạch). 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết: Đây là gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên của Bộ Y tế được mở thầu sau khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đi vào hoạt động cách đây ít lâu. Từ đầu tháng 8/2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia.


Cũng theo ông Dũng, tính đến thời điểm đóng thầu ngày 2/8/2017, đã có 26 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với 82 hồ sơ dự thầu nộp đúng thời gian và địa điểm thuộc 5 gói thầu trên.


Việc thực hiện đấu thầu thuốc quốc gia đòi hỏi nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Trong đó, điểm kỹ thuật được đánh giá trên thang điểm 100, tiêu chí đánh giá là 70% là chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng. Những thuốc đạt 80/100 điểm kỹ thuật mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu nào có điểm tổng hợp cao nhất bào gồm điểm kỹ thuật và giá sẽ được trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỉ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.


Ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, thông qua việc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia sẽ ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện. Gói thầu tập trung đầu tiên trên có giá trị trong vòng 2 năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019).


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thời gian qua, những đổi mới quy định về đấu thầu thuốc đã giúp cho việc minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện để quản lý chất lượng thuốc, giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập như việc đấu thầu thuốc mới thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc.


Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng đề nghị, trên cơ sở kết quả đạt được từ lần đầu tổ chức đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ Y tế thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế để tiếp tục giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ.


Bộ Y tế cũng cho biết, mục tiêu của đấu thầu là chọn 22 thuốc có chất lượng và giảm giá cho người dân. Thông qua đó, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư.


Về việc cung ứng, sử dụng thuốc của các loại thuốc đấu thầu tập trung, Ths. Vũ Đình Tiến, trưởng khoa Dược, Bệnh viện K đề xuất: "Thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu thường kéo dài dẫn đến số lượng kế hoạch và sử dụng các loại thuốc sẽ có thay đổi. Đặc biệt, cần có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, thuốc generic nhóm 1 đối với từng hạng bệnh viện và bệnh viện chuyên khoa chứ không thể áp dụng như nhau đối với các hạng bệnh viện".


TN/báo Tin tức