07:16 06/07/2012

Bộ Xây Dựng xin hỗ trợ cho DN bất động sản

Tại cuộc giao ban triển khai nhiệm vụ kế hoạch những tháng cuối năm tổ chức tại Hà Nội sáng 6/7, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp toàn ngành vượt khó.

Hai quý đầu năm nay, lĩnh vực bất động sản (BĐS) – xây dựng có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao.


Trong khi xây dựng là một trong những ngành đóng góp tới 6,41% GDP, đứng thứ 5 sau các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp, thương nghiệp, khai khoáng năm 2011. Vì vậy, tại cuộc giao ban triển khai nhiệm vụ kế hoạch những tháng cuối năm tổ chức tại Hà Nội sáng 6/7, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp toàn ngành vượt khó.

 

Phản ứng dây chuyền

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: Ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm trong điều kiện rất khó khăn. 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, từng bước kiềm chế lạm phát, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cuối năm trước nhưng các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn.


 

Bộ Xây Dựng đang xin bổ sung các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, xây lắp, sản xuất VLXD vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của Chính Phủ. Ảnh internet.


 

Đặc biệt, sự trầm lắng kéo dài của thị trường BĐS - thị trường có sức lan tỏa đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp khác trong ngành như xây lắp, tư vấn, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Bên cạnh đó, khó khăn kéo dài đã khiến các doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển. Chưa trả hết nợ cũ, các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp không dám vay. Tình trạng khát vốn diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp.


Nhóm doanh nghiệp kinh doanh BĐS thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phụ thuộc nguồn vốn vay từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn huy động từ khách hàng để triển khai dự án. Khi thị trường trầm lắng, đóng băng thanh khoản đẩy doanh nghiệp đến bờ vực thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Bản thân sự đóng băng của thị trường BĐS thời gian qua cũng ảnh hưởng tới thanh khoản của nhiều ngân hàng; đồng thời gây đình trệ sản xuất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất VLXD, xây lắp…


Bởi vậy, trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD hoạt động cầm chừng, không dám vận hành hết công suất các nhà máy. Sản lượng sản xuất đạt thấp, lượng tồn kho lớn khiến việc kinh doanh không hiệu quả. Đơn cử như đến hết tháng 4, lượng tồn kho tại các nhà máy xi măng khoảng 2,8 triệu tấn. Cùng đó, gạch ốp lát tồn kho khoảng 50 triệu m2 quy tiêu chuẩn – tương đương 2 tháng sản xuất theo công suất thiết kế; 40 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1 đến 2 tháng – tương ứng 30% năng lực sản xuất của toàn ngành. Cả nước hiện có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn với công suất thiết kế 150 triệu m2 nhưng đang tồn kho tới 50 triệu m2 – tương đương với sản lượng của 4 tháng sản xuất.

Thực tế này đã đẩy một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư. Như vậy, các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới cũng như thực hiện các công trình dở dang do chủ đầu tư không thể thu xếp vốn kịp thời, trong khi công nợ của doanh nghiệp tại các công trình là rất lớn. Thiếu vốn và nợ đọng tại các công trình không những làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động.


Tập trung gỡ khó


Ngay từ đầu năm, triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Bộ Xây dựng đã chủ động thực hiện các giải pháp mang tính đột phá về hoàn thiện thể chế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; ưu tiên kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, giá trị sản xuất xây dựng của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 283 nghìn tỷ đồng, bằng 105,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, tổng diện tích sàn nhà ở vẫn tăng thêm khoảng 30 triệu m2 sàn, bằng 37,5% so với thực hiện cả năm 2011.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất với Chính phủ những giải pháp hỗ trợ. Trước mắt là gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, bổ sung các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, xây lắp, sản xuất VLXD vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012; miễn, giảm thuế VAT cho người mua nhà trong một số trường hợp cụ thể.


Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị phía Ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu, xây lắp và chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán đang trong giai đoạn thực hiện. Đồng thời cho các dự án BĐS tiếp cận nguồn vay với lãi suất hợp lý, nhất là các công trình có tính khả thi và kết thúc đầu tư trong năm nay thực hiện song song với việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà.


Nhiều doanh nghiệp đề xuất, cùng với lộ trình tiếp tục giảm lãi vay, các ngân hàng cần cải cách thủ tục hồ sơ vay vốn cho nhanh chóng, thuận tiện. Riêng với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu cần được hỗ trợ thu xếp nguồn ngoại tệ để trả khi các khoản vay có gốc ngoại tệ đến hạn phải trả. Cùng với việc ổn định tỷ giá, các doanh nghiệp mong muốn có lộ trình phù hợp về điều chỉnh giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD nhằm ổn định thị trường và kiểm soát được rủi ro. Mặt khác, cần có chính sách ưu tiên điều tiết để đảm bảo lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tạm dừng dễ dẫn đến hệ lụy khan hàng khiến giá cả biến động, thị trường bất ổn.


Thu Hằng