10:16 16/10/2014

Bộ Tư pháp đề nghị không bỏ giấy khai sinh

Khi cắt giảm giấy tờ công dân, cần xem xét gì bỏ đi, cái gì cần phải giữ lại. Chính phủ đã 2 lần gửi văn bản lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ giấy khai sinh và đó cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp ngày 16/10, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, hiện còn một nội dung lớn liên quan đến cả dự thảo Luật Hộ tịch và dự thảo Luật Căn cước công dân còn ý kiến khác nhau. Đó là việc không cấp Giấy khai sinh cho trẻ em (theo dự thảo luật Hộ tịch), thay vào đó là cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ (theo dự thảo luật Căn cước công dân).

Về vấn đề này, Chính phủ đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em. Lý do là bởi việc này phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người đủ 14 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trả lời câu hỏi báo chí.


Theo Bộ Tư pháp, căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Do đó, việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi chưa phù hợp với khái niệm "căn cước" vì giai đoạn này, các đặc điểm nhận dạng của trẻ chưa ổn định. Trong khi đó, các đặc điểm "gốc tích" của trẻ em chủ yếu là các thông tin về khai sinh. “Kinh nghiệm của các quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp Thẻ căn cước cho thấy, tuyệt đại đa số các nước đều cấp Thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên”, Người Phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc bỏ cấp Giấy khai sinh và thay thế bằng cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh. “Với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em để trẻ thực hiện đầy đủ các quyền của mình do Công ước quy định”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng khẳng định, theo pháp luật Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên như cấp Chứng minh nhân dân hiện nay là phù hợp.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết thêm, nếu dự thảo Luật Hộ tịch được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới sẽ giúp giảm từ 46 thủ tục xuống còn 25 thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch còn nhiều loại giấy tờ như: giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, khai tử, nhận cha mẹ… với trên dưới 10 biểu mẫu khác nhau. Dự thảo luật mới nhất đề nghị giữ lại 2 loại giấy là Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn, còn tất cả các loại giấy khác sẽ được lưu vào hệ thống quản lý điện tử. “Khi người dân có yêu cầu, cơ quan Nhà nước chỉ cần cấp trích lục hoặc cấp xác nhận. Như vậy, giấy tờ trong lĩnh vực hộ tịch giảm đi khá nhiều”, ông Khanh đánh giá.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn là hai loại giấy có ý nghĩa với đời sống con người. Giấy khai sinh là "thẻ vào đời" đã áp dụng từ lâu tại Việt Nam. Còn Giấy chứng nhận kết hôn là sự công nhận chính thức của Nhà nước đối với cuộc sống hôn nhân của hai người. “Khi cắt giảm giấy tờ công dân, cần xem xét gì bỏ đi, cái gì cần phải giữ lại. Chính phủ đã 2 lần gửi văn bản lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ giấy khai sinh và đó cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp”, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho biết.

Trả lời thắc mắc của phóng viên liệu cơ sở dữ liệu Bộ Tư pháp xây dựng có trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang tiến hành, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh khẳng định, không có sự chồng chéo nào. Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ tập hợp những thông tin cơ bản nhất về cá nhân (khoảng 15-16 trường thông tin, trong đó có 7-8 trường thông tin về hộ tịch), còn cơ sở dữ liệu về hộ tịch của ngành tư pháp có tới khoảng 80 trường thông tin.


Thu Phương