03:10 03/03/2015

Bộ tứ Normandy hoan nghênh tiến bộ ở Đông Ukraine

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy vừa có cuộc điện đàm thảo luận việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine ký ngày 12/2.

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã có cuộc điện đàm thảo luận việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine ký ngày 12/2 vừa qua.

Trong cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo hoanh nghênh tiến bộ đạt được trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và quá trình rút vũ khí hạng nặng ở miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Nhóm Bộ tứ cũng kêu gọi OSCE đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng, cũng như công bố báo cáo hàng ngày về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc trao đổi tù binh giữa hai bên xung đột ở Ukraine và phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đảm bảo cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng Donbass. Ngoài ra, các bên cần đẩy nhanh việc thành lập các nhóm làm việc để thực hiện những biện pháp còn lại trong thỏa thuận Minsk, trong đó có việc tổ chức bầu cử địa phương.

Binh sĩ Ukraine nghỉ ngơi trên một tuyến đường ở Svitlodarsk, gần Debaltseve, sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ảnh: AFP/TTXVN.


Cũng trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Bộ tứ thỏa thuận sẽ tổ chức cuộc tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao của nhóm vào ngày 6/3 tới để thảo luận về vấn đề phái bộ hòa bình tại Ukraine. Trước đó, phía Ukraine cho biết lãnh đạo Bộ tứ đã ủng hộ đề nghị của Kiev trong việc bố trí các quan sát viên OSCE tại những điểm vi phạm lệnh ngừng bắn.

Mặc dù các bên ở Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận Minsk nhưng trong báo cáo mới nhất, Ủy ban điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc nhận định lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine vẫn rất mong manh trong khi người dân khu vực này thiếu nước uống, lương thực và hàng hóa thiết yếu.

Theo báo cáo, giao tranh vẫn xảy ra tại một số khu vực gần sân bay Donesk và thành phố Mariupol, dù quy mô đã giảm đáng kể. LHQ hy vọng sẽ nhận được 316 triệu USD để trợ giúp cho 3,2 triệu người dân vùng Donbass bị tác động của xung đột. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có Nga thực hiện việc trợ giúp cho người dân vùng này.

Trong khi đó, báo cáo ngày 2/3 của Ủy ban giám sát đặc biệt (SMM) thuộc OSCE xác nhận trong các ngày 28/2 đến 1/3, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đã rút phần lớn vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến tuyến.


TTXVN/Tin Tức