10:20 30/10/2019

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc làm sạch sông Tô Lịch, hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã thị sát dự án làm sạch một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của chuyên gia Nhật Bản. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được cơ quan Nhật Bản chứng nhận về mức độ an toàn, tính tin cậy để Việt Nam có thể áp dụng triển khai được.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nghe Chủ tịch HĐQT Công ty JVE Nguyễn Tuấn Anh - đơn vị thực hiện dự án và Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản Tadasi Yamamura báo cáo kết quả quá trình thí điểm.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với công ty JVE. 

Kết quả phân tích do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và đơn vị đánh giá của Bộ TN&MT cho thấy chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây có 36/36 chỉ tiêu đạt chuẩn QCVN. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần và hồ Tây giảm 30 lần nhờ công nghệ Nhật Bản.

Tại khu xử lý thả cá Koi khu vực sông Tô Lịch, nồng độ vi khuẩn có hại Coliform giảm 61 triệu lần, Ecoli giảm 1.100 lần. Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây có vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn sông Tô Lịch giảm từ 76,3 cm còn 15 cm, bùn hồ Tây giảm nhiều nhất về 0 cm.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đi khảo sát thực tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao công nghệ và phương pháp xử lý nước mà Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đem đến ứng dụng tại sông Tô Lịch và hồ Tây.

"Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ này trong xử lý nước thải. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vi khuẩn Ecoli, Coliform họ đã xử lý được", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hồng Hà cho cá Koi Nhật Bản ăn tại khu vực thí điểm làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nhật Bản ở Hồ Tây.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị đơn vị thực hiện lưu ý sông, hồ tại Việt Nam vẫn chịu nước thải sinh hoạt và sản xuất, rất khác so với ở Nhật Bản. Nên việc xử lý cần được bổ sung các công nghệ, phương pháp khác mới đảm bảo hiệu quả.

 

Lê Phú/Báo Tin tức