02:07 16/02/2018

Bộ trưởng Tài chính: Năm 2018, đặt mục tiêu nợ công không quá 63,9% GDP

Dự kiến năm 2018, nợ công của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khá cao, xấp xỉ 64% GDP. Điều này tiếp tục gây áp lực với công tác điều hành ngân sách và các chính sách tài chính. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời Báo Tin tức (Thông Tấn xã Việt Nam) xung quanh giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công.

Bộ trưởng có thể cho biết một số kết quả trong công tác tái cơ cấu thu và chi ngân sách? Ông có kỳ vọng gì về kết quả của quá trình tái cơ cấu này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: X.Dũng.

Thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong 2 năm 2016-2017 đạt khoảng 24,6%GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt trên 80% (so với tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%). Tổng chi ngân sách bám sát dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển bình quân chiếm 26-27% tổng chi NSNN; tỷ trọng chi thường xuyên trong dự toán 2 năm 2016-2017 là 64-65% (giai đoạn 2011- 2015 là 67,8%).

Về cân đối NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN tính theo GDP thực tế bình quân 2 năm 2016- 2017 là 4,27%, trong đó bội chi năm 2017 khoảng 3,48% GDP thực hiện.

Ước đến 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, trong đó: nợ chính phủ khoảng 51,6% GDP, nợ được bảo lãnh Chính phủ khoảng 9,1% GDP trong giới hạn quy định.

Việc tái cơ cấu theo các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW là yêu cầu cấp thiết và đã được quán triệt sâu rộng, đồng thời nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Chúng tôi hy vọng rằng, việc triển khai các Nghị quyết này và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, sẽ là nền tảng để đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công đã đề ra.

Về cơ cấu lại thu NSNN, mặc dù có bước phát triển mới song còn khó khăn do kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định; trong nước, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu;còn nhiều rủi ro chưa lường trước được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáp nhập và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước..

Về cơ cấu lại chi NSNN còn phụ thuộc lớn vào khả năng điều chỉnh lại các chính sách chi cho con người, chi các lĩnh vực sự nghiệp; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng vừa đề cập đã hơn một năm qua kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đặc biệt là quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện Nghị quyết này như thế nào?

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành Luật quản lý nợ công (sửa đổi), xác định rõ phạm vi nợ công; thống nhất đầu mối quản lý về nợ công; thu hẹp đối tượng và siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, đối tượng vay lại vốn vay nước ngoài; tăng cường quản lý sử dụng vốn vay lại và vốn vay có bảo lãnh Chính phủ; tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý rủi ro, về báo cáo, công khai thông tin, kế toán kiểm toán về nợ công...; xây dựng và triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động thực hiện mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; siết chặt quản lý bảo lãnh Chính phủ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay của ngân sách địa phương trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, minh bạch hoạt động vay nợ của địa phương.

Trong quản lý, điều hành, đã thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; giảm dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, 2018 cho các đơn vị sự nghiệp công lập các lĩnh vực giáo dục, y tế theo lộ trình tăng học phí và tính chi phí lương vào giá dịch vụ y tế; tăng tỷ trọng chi đầu tư.... Việc tổ chức điều hành bám sát dự toán, hạn chế bổ sung ngoài dự toán; quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, các nhiệm vụ cấp bách của quốc phòng, an ninh,...

Thưa Bộ trưởng, trong năm qua, nợ công tiếp tục ở mức cao, dự kiến vẫn duy trì mức xấp xỉ 64% GDP trong năm 2018. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này tiếp tục gây áp lực với công tác điều hành ngân sách và các chính sách tài chính. Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Là một nước đang phát triển với khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư còn lớn, việc duy trì bội chi ở mức cao trong thời gian dài để có nguồn lực cho đầu tư cũng dẫn đến nợ công tăng nhanh, các chỉ tiêu an toàn nợ tiến sát đến các giới hạn trần cho phép của Quốc hội giai đoạn 2011-2015.

Trong các năm 2016-2017, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chúng ta bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng các chỉ tiêu nợ, góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ước tính đến cuối năm 2017, dự kiến nợ công ở mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ ở mức 51,7% GDP; giảm mạnh so với mức 63,6% GDP và 52,6% GDP cuối năm 2016.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó, mục tiêu đặt ra đối với các chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2018 là nợ công không quá 63,9% GDP, nợ Chính phủ không quá 52,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 47,6% GDP. Các mục tiêu chỉ tiêu này được xác định trên cơ sở đồng bộ với kế kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, khung cân đối kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm giai đoạn 2018-2020 và dự toán NSNN năm 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.

Tôi cho rằng, công tác quản lý nợ công năm 2018 và thời gian tới tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp như: Bảo đảm kiểm soát các chỉ tiêu bội chi, nợ công trong theo giới hạn Quốc hội quyết định; tiếp tục thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của NSNN và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định. Triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công năm 2017 (có hiệu lực từ năm 2018), tăng cường công tác quản lý nợ đồng bộ với quản lý ngân sách, đầu tư công ở trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công thông qua siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi NSNN và sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Giải pháp tiếp theo là chủ động lựa chọn các nguồn vốn vay phù hợp cho huy động nguồn vốn cho đầu tư công và các nhiệm vụ cân đối ngân sách nhà nước. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá tác động đối với nợ công và khả năng trả nợ. Việt Nam đã tốt nghiệp chương trình IDA của Ngân hàng Thế giới từ 1/7/2017 và dự kiến sẽ tốt nghiệp chương trình ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á. Nguồn vốn vay ODA giảm dần, thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu hơn. Do đó, cần lựa chọn các nguồn vốn vay cho thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm chi phí và mức độ rủi ro hợp lý của danh mục nợ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Phương/Báo Tin tức (Thực hiện)