04:20 08/04/2021

Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi các nền kinh tế lớn triển khai các gói chi tiêu mới

Ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hối thúc các nền kinh tế lớn triển khai các gói chi tiêu mới với quy mô "đáng kể" nhằm đảm bảo đà phục hồi vững chắc của nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố trước Ban Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Yellen nhận định mặc dù triển vọng kinh tế thế giới đã được cải thiện, đặc biệt nhờ sự hỗ trợ lớn của các chính phủ, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và nguy cơ "vết sẹo" kinh tế kéo dài.

Bà cũng cảnh báo về sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế lớn nỗ lực cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính mới với quy mô lớn nhằm đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ, thay vì rút các khoản hỗ trợ quá sớm. 

Bên cạnh đó, bà Yellen cũng nêu bật sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới trong bối cảnh các nước này đang phải chật vật đối phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và gánh nặng nợ ngày một chồng chất. Bà kêu gọi WB hỗ trợ các nước đang phát triển và đảm bảo họ được tiếp cận kịp thời với vaccine ngừa COVID-19. Mỹ ủng hộ đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm bổ sung ngân quỹ của Hiệp hội Phát triển quốc tế của WB dành cho các nước nghèo nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế hiện nay vẫn là ưu tiên trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó có những nỗ lực "đảm bảo các khoản tài trợ không trở thành trở ngại đối với chiến dịch tiêm chủng toàn cầu... mà phát huy hiệu quả giúp thúc đẩy việc triển khai tiêm chủng mạnh mẽ, công bằng và minh bạch".

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố ngày 6/4, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 6%, thay vì 5,5%  hồi tháng 1. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970. Đối với năm 2022, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 4,4%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó.

Các yếu tố chính dẫn tới sự điều chỉnh này, theo IMF, là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD và tín hiệu tốt từ các nền kinh tế lớn khác nhờ nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nước, một phần do sự khác biệt trong tiến độ tiêm vaccine và các gói hỗ trợ tài chính.

Phương Oanh (TTXVN)