09:13 24/09/2018

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân

Bên lề cuộc họp trực tuyến đánh giá trình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra sáng ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về các các giải pháp cần triển khai để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 có đưa ra  một nhận định là chất lượng tăng trưởng kinh tế cao hơn, Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể về những nỗ lực thời gian qua của các bộ, ngành, địa phương để có được kết quả này?

Thời gian vừa qua chúng ta đã chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng chuyển sang mô hình tăng trưởng vừa chiều rộng và vừa chiều sâu, đặc biệt chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Điều này thể hiện qua các chỉ số tổng hợp, cụ thể như hệ số Icor (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) có nhiều cải thiện về các chỉ số tăng trưởng rất là tốt. Từ đó cho thấy, nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành đang đi đúng hướng. Qua đó, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Đây là điều chúng tôi đánh giá là hết sức quan trọng mà nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đã khuyến cáo trước đó.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2018, vậy những giải pháp cũng như những định hướng cụ thể trong những tháng cuối năm để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra gì, thưa Bộ trưởng?

Trước tiên chúng ta phải tập trung thực hiện các giải pháp mà đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (Nghị quyết 01). Trong nghị quyết này đã đưa ra hơn 200 nhiệm vụ cụ thể và phải rà soát những gì chúng ta thực hiện, làm tốt rồi, những vấn đề nào chúng ta đang còn làm dở dang thì cần đẩy mạnh. Đặc biệt, những vấn đề chưa làm được chúng ta cần phải nỗ lực tập trung giải quyết. Làm sao để tất cả hệ thống chính trị phải nỗ lực một cách cao nhất để hoàn thành kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra.

Trước hết chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ trong Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra, thứ 2 là chúng ta tập trung vào các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù chúng ta đang nỗ lực triển khai, nhưng đây là vấn đề không chỉ quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2018 mà nó còn có ý nghĩa tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm. Hơn thế nữa, điều này quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là tiếp tục hoàn thiện các thể chế mà chúng ta đang xây dựng; cải thiện việc hoàn thành tiến độ các dự án qua đó góp phần cải thiện hạ tầng. Đây là những vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan ngại vì hạ tầng của chúng ta còn đang kém cạnh tranh hơn so với các nước. Vì thế, cần tập trung vào việc thực hiện đột phá chiến lược này.

Vấn đề thứ 3 là nguồn nhân lực, chúng ta cần phải tập trung tổ chức tốt qua đó tận dụng nguồn nhân lực đang có để sử dụng một cách hiệu quả nhất đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Đối với việc đầu tư nói chung, tôi cho rằng chúng ta cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay. Quan trọng là cần phải đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ cho họ… Tất cả các thể chế đều tốt nhưng nếu tổ chức thực hiện chưa tốt thì việc giải ngân các nguồn vốn nói chung, kể cả nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí đầu tư công chưa tốt thì cũng sẽ có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Có thể nói nhiều vấn đề chúng ta còn triển khai chậm, bất cập.

Vì vậy, những vấn đề bất cập thuộc về chính sách  nhà nước thì các bộ ngành cần phải tiếp thu, kiến nghị chỉnh sửa kịp thời. Những vấn đề lớn của luật thì sắp tới chúng ta sẽ trình sửa luật. Còn những vấn đề thuộc về vấn đề thực hiện hàng ngày thường xuyên thì phải tập trung tháo gỡ bằng được để làm sao thúc đẩy giải ngân nhanh các nguồn vốn đóng góp vào việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đây là những nhiệm vụ quan trọng cấp bách từ nay đến cuối năm chúng ta phải thực hiện.

Còn một vấn đề lớn nữa chúng ta phải thực hiện. Đó là trong năm 2017-2018, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân để tập trung tháo gỡ bằng được. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung bố trí các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương xử lý ngay các vấn đề liên quan đến đời sống, đến sản xuất của người dân bị thiệt hại trong thời gian qua.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về các động lực tăng trưởng trong báo cáo đưa ra khi nhận định là đầu tư tư nhân đang tăng lên và đây là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế?

Trước hết động lực của khu vực kinh tế tư nhân thông qua các con số thành lập doanh nghiệp, con số đăng ký giải ngân các nguồn vốn hiện nay tăng lên rất tốt. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của chúng ta đang được hình thành và cải thiện rất tốt tạo điều kiện để huy động các nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương về khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Những chủ trương, nỗ lực của Đảng, Chính phủ đang đi vào đời sống đang khuyến khích và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ được khai thông nhiều nguồn lực hơn nữa. Điều quan trọng hơn nữa là khu vực này sẽ trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề chúng ta phải tiếp tục tháo gỡ, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Khi đó khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện phát triển tốt đóng góp nhiều cho vấn đề tăng trưởng kinh tế nói chung.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Toàn (TTXVN thực hiện)