03:18 03/03/2020

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam

Chiều 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2020.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dịch bệnh COVID-19 có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực, nhất là tăng trưởng, đầu tư và thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng, dịch vụ và du lịch. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19 thời gian tới và khả năng khống chế dịch bệnh. Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, hai tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%); khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm từ 2016 - 2020; chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống.

Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng đáng mừng trong thời gian qua.Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, nhưng các ngành Công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; chỉ số giá công nghiệp (IIP) tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức