03:18 22/03/2012

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình nhiều vấn đề “nóng”

hiều vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân cả nước như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phá rừng tràn lan; bất cập trong các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn... được đề cập và làm rõ tại cuộc đối thoại.

Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng một số lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ đã đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về các vấn đề liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân cả nước như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phá rừng tràn lan; bất cập trong các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn... được đề cập và làm rõ tại cuộc đối thoại.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trong buổi đối thoại sáng nay. Ảnh Dân Trí


Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ bố trí 47% nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để dành cho nông nghiệp, nông thôn, riêng vốn đầu tư qua Bộ giai đoạn 2006 - 2011 đã tăng 2,2 lần. Đồng thời với việc tăng vốn đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt cơ chế chính sách triển khai trên diện rộng, nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng to lớn.

Trước tình trạng đất sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dự án, sân gôn, để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng nhận thấy vấn đề này và có những nghị quyết về kiểm soát chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp. Mới đây, Chính phủ đã thông qua một Nghị định về tăng cường quản lý đất lúa, nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là tới năm 2020, nước ta có tối thiểu 3,8 triệu ha đất lúa. Mặt khác, ngoài sản xuất lúa, Nhà nước cũng có nhiều chính sách nhằm tăng cường phát triển sản xuất lương thực các loại.

Đối với thắc mắc của độc giả về vấn đề tổ chức thu mua gạo như hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp là hưởng lợi, còn nông dân tuy bán lúa lãi được 30% vẫn không đủ để cải thiện cuộc sống do diện tích nông hộ quá ít, Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích, chính sách thu mua lúa không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng mua và tạo ra nhu cầu trên thị trường, góp phần duy trì giá, thậm chí tăng giá thu mua lúa cho nông dân. Thực tế, dù mới triển khai, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên.

Để giúp nông dân tăng thu nhập, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác. Đối với những người trồng lúa, Chính phủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch. Từ năm 2004-2008 đã có hơn 30 tỉnh thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân. Riêng về chính sách bao tiêu sản phẩm, theo cơ chế hiện nay, Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định hơn. Gần đây nhất, Bộ đang phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cũng là một trong những cách tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi đáng lên án

“Bộ phải làm gì để người dân yên tâm sử dụng thực phẩm trong thời gian tới khi vụ tạo nạc vừa qua gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng, và làm thế nào ổn định thị trường, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi chân chính?”, nhiều độc giả gửi câu hỏi trên tới Bộ trưởng Cao Đức Phát.

“Về vấn đề này chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt với các địa phương, làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh. Đồng thời tạo điều kiện cho những khu vực, những người chăn nuôi làm ăn đứng đắn, nghiêm túc có thể sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi”, Bộ trưởng trả lời.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc một số người lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi nhưng làm hại đến sức khỏe của rất nhiều người khác là một hành vi phải lên án. “Chúng tôi kêu gọi bà con chăn nuôi không sử dụng chất cấm, đồng thời đề nghị bà con giúp các cơ quan chức năng phát hiện và tẩy chay những người buôn bán, sử dụng chất cấm độc hại này”, Bộ trưởng nói. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt ở một số địa phương có nhiều người sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa -Tũng Tàu để tăng cường việc kiểm soát. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc nhất những người cố tình vi phạm theo đúng quy định của luật pháp.

Lựa chọn cây trồng phù hợp với từng địa phương

Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu gạo có thể là kế sinh nhai bền vững nhưng khó có thể là nghề làm giàu cho nông dân. Vậy cần tính toán như thế nào trong quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, lúa gạo là ngành có lợi thế của Việt Nam , nhiều nơi nếu không trồng lúa gạo khó có thể trồng loại cây gì khác. Hiện nay, sản xuất lúa gạo đang đem lại thu nhập tương đối khá cho nông dân ở nhiều vùng, đặc biệt là ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện ở từng nơi, nông dân cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, có thể đem lại thu nhập cao hơn.

Nhưng Bộ Nông nghiệp khuyến cáo, lựa chọn loại cây trồng nào cũng phải bám sát yêu cầu thị trường, xuất phát từ đặc điểm của địa phương. Mỗi địa phương nên tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi lợi thế, có khả năng cạnh tranh tốt, trong đó rau màu, hoa cũng là một hướng Bộ đang thúc đẩy để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, từng địa phương cần phải lựa chọn và cân nhắc cụ thể để quyết định có làm hay không.

Trước những câu hỏi liên quan tới việc phá rừng buôn lậu gỗ, và phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp tràn lan hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, phá rừng trái pháp luật là vấn đề rất bức xúc trong xã hội, và Bộ đang thực hiện nhiều biện pháp để cùng các địa phương kiểm soát tình hình. Thực tế, nhiều năm qua, tình hình phá rừng trên phạm vi cả nước nói chung đã giảm xuống. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là Tây Nguyên, tình hình phá rừng vẫn diễn ra khá gay gắt.

“Phải nói rằng, trách nhiệm trước hết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ, trước nhân dân. Nhưng để thực hiện, chúng tôi cũng cần sự ủng hộ và hợ trợ của các bộ ngành, đặc biệt là của các đồng chí ở cấp cơ sở”, Bộ trưởng thẳng thắn tự kiểm điểm.

Đối với việc thay thế rừng bằng các loại cây khác, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, khi triển khai thực hiện, cần rất cân nhắc, tùy điều kiện cụ thể từng nơi để có sự lựa chọn cho phù hợp, miễn là đem lại lợi ích cao nhất cho bà con nông dân và cho đất nước. Trên thực tế, nhiều loại cây nông nghiệp cũng có tác dụng giữ nước, giữ đất nhất định dù có thể không bằng rừng tự nhiên, đồng thời đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân. “Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta cần phải rất cân nhắc, lựa chọn kỹ tùy từng khu vực đất đai cụ thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Hoàng Tùng