09:23 06/09/2019

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh

Chiều 6/9, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh có khá nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, đa dạng về loại hình du lịch: truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm. Tỉnh có núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ; hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; Tòa thánh Cao Đài, một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, trung tâm tôn giáo nội sinh Cao Đài; Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và nhiều danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Tây Ninh có ẩm thực phong phú, đa dạng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, các món chay của tôn giáo Cao Đài.

Hiện nay, tỉnh có 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế; dịch vụ vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đường bộ; phương tiện đi lại cũng được phát triển với một số công ty xe khách chất lượng cao, các hãng taxi, xe buýt góp phần quan trọng đưa du khách đến tham quan, du lịch tại Tây Ninh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Du lịch Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch. Khách lưu trú đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Khách tham quan tại các khu điểm du lịch đạt trên 2,2 triệu lượt người, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 545 tỷ đồng, tăng 14,6%.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện thường xuyên thông qua việc phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, Tây Ninh cũng còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn như: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tiệc cưới hay tang lễ chưa có chuyển biến toàn diện. Một số tập tục lạc hậu (thời gian lễ tang kéo dài, chôn cất người mất tại đất của gia đình, dòng tộc, không đưa vào nghĩa trang…); tổ chức đám cưới, đám tang việc che rạp lấn chiếm lòng đường vẫn còn xảy ra.

UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt: Căn cứ Trung ương cục miền Nam và Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai; xây dựng mới Nhà hát tỉnh có quy mô 1.500 chỗ ngồi, Bảo tàng tỉnh. Bộ tạo điều kiện cho tỉnh Tây Ninh tiếp tục đăng cai các hội thi, hội diễn, liên hoan, giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế theo khả năng của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao kết quả về những nỗ lực của tỉnh Tây Ninh trong thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch và thể thao. Tây Ninh đã chọn ngành Du lịch là một trong 4 ngành phát triển mũi nhọn. Điều đó cho thấy sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, Tây Ninh cần chú trọng phát triển du lịch hơn nữa, xứng tầm với các tiềm năng sẵn có. Trong đó, tỉnh cần chú trọng phát triển ngành du lịch phong phú, đa dạng, gắn kết các điểm du lịch tạo thành chuỗi liên kết để thu hút du lịch quanh năm; phải giữ chân được du khách lưu trú lại Tây Ninh mới khai thác được các dịch vụ đi kèm khác, mang lại nguồn thu ổn định từ du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, sẽ cùng các ngành chuyên môn họp bàn để phân bổ kinh phí phù hợp. Đối với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Tây Ninh trong cơ chế hoạt động, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng các ngành từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho tỉnh phát triển.

Tin, ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)