11:13 01/11/2018

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Dùng công nghệ nhận dạng ảnh để chống SIM rác

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ điện thoại.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về SIM rác và Fake news, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

SIM rác là một khái niệm chưa định nghĩa trong các văn bản pháp luật. Đây là từ chúng ta quen dùng, để chỉ các SIM không có thông tin chính xác về người dùng, không tìm ra người dùng.

SIM rác tồn tại dưới 2 dạng. Thứ nhất, SIM được kích hoạt sẵn, tồn tại trên kênh phân phối, khách hàng có thể mua dễ dàng. Thứ hai, SIM đã đến tay người dùng. Giải pháp căn cơ là người dùng SIM phải chính danh, phải đăng ký đầy đủ thông tin, và gốc của thông tin là cơ sở dữ liệu (CSDL) về căn cước công dân, trong đó có ID, có ảnh, có vân tay. Để khi đăng ký thì chính xác, đúng người - đúng SIM.

Trong lúc chưa có CSDL căn cước công dân, Bộ đã triển khai thu hồi SIM rác. Từ tháng 11/2016, các nhà mạng triển khai thực hiện cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Tính đến tháng 7/2017, các nhà mạng đã thu hồi được trên 24 triệu SIM, trong đó gần 50% là từ nhà mạng lớn nhất Viettel.

Bộ đăng ký lại thông tin thuê bao. Bắt đầu từ tháng 7/2017, các nhà mạng triển khai thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao, trong đó có chụp ảnh. Những thuê bao nào chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì các nhà mạng coi là SIM rác và sẽ cắt dịch vụ.

Để xử lý SIM rác, Bộ TT&TT triển khai các công việc gồm: SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ điện thoại; Nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư.

Bộ TT&TT đã giao Tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến Quý II/2019 sẽ xong. Công nghệ này không chỉ giúp việc đăng ký SIM mà còn giúp xác thực trong việc đăng ký nhiều loại thẻ và dịch vụ khác. Làm được 3 việc này thì giải quyết được vấn nạn SIM rác một cách đáng kể, trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng CSDL căn cước công dân.

Đối với xử lý thông tin sai (fake news) đang là câu chuyện toàn cầu. Nước nào cũng gặp, từ nước lớn như Hoa Kỳ đến nước nhỏ như Timore Leste. Mỗi ngày một nặng nề hơn.

Việc sống trên không gian mạng (KGM) mới diễn ra chục năm nên chưa nhiều kinh nghiệm. Vấn đề này sẽ còn phát triển mà chúng ta có thể chưa dự đoán hết nên vừa làm vừa điều chỉnh. Tuy nhiên, có một số kinh nghiệm, ứng xử ở thế giới thực có thể áp dụng cho thế giới ảo.

Để xử lý tin sai trên KGM có thể sử dụng logic trong đời thực như sau: Phải định nghĩa tường minh về tin sai, tin giả, cái này phải ban hành một số qui định pháp luật; Phải có công cụ phân tích, phát hiện tin sai, 1 ngày có khoảng trên 100 triệu tin trên KGM, người không thể đọc được, phải là máy làm.

Bộ TT&TT đã xây dựng Trung tâm Quốc gia về giám sát ATTT trên KGM, lắng nghe và đã phát hiện, phân loại được thông tin.

Đồng thời, xử lý fake news phải có công cụ xử lý. Trong đó, Chính phủ sẽ phải quy định đầu mối xử lý, nhận phản ánh của người dân, người bị hại; có công cụ dọn dẹp, ngăn chặn, cái này là công nghệ, là kỹ thuật, có thể làm được đối với các thông tin không mã hoá. Các mạng xã hội (MXH) nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai theo pháp luật Việt Nam. Vấn đề này này có thể học kinh nghiệm quốc tế. Nhiều nước EU, trong ASSEAN đã làm với Facebook, với Youtube. Vấn đề là chúng ta phải kiên quyết thượng tôn pháp luật.

Đồng thời, chúng ta phải có chế tài xử lý người đưa thông tin sai lên MXH, tuỳ theo mức độ vi phạm. Việc này phải đưa vào qui định của pháp luật.

MXH đã thực sự là xã hội, không phải ảo nữa, ảnh hưởng là có thực và không nên bỏ trống trận địa này. Người dân và đặc biệt là chính quyền, phải chủ động sống nhiều hơn trên KGM, cái tốt nhiều thì sẽ đẩy lùi cái xấu. Giống như trong xã hội thực vậy, cái tốt đang là dòng chảy chính, là chủ đạo.

Người dân cũng nâng cao nhận thức khi tham gia MXH, thông tin trên MXH là thông tin không kiểm chứng. Mỗi cá nhân tham gia phải có bộ lọc của riêng cá nhân mình, không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng; không lan truyền các thông tin chưa kiểm chứng.

 

PV/Báo Tin tức