06:12 16/06/2017

Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình về Luật Quản lý nợ công

Ngay sau phần thảo luận của các đại biểu về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng nay (16/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về nội dung nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi của nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phạm vi của nợ công là nợ trực tiếp của Chính phủ từ trung ương đến địa phương và nợ dự phòng.

Phạm vi nợ công tính cả khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả DNNN là công ty TNHH MTV hoạt động bình đẳng với các DN khác theo Luật DN và quản lý theo Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước về DN.

Bộ trưởng cho biết thêm, theo khảo sát nhóm 40 nước thì hầu hết các nước không tính nợ DNNN vào nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về vấn đề nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thuộc nợ công vì NHNN thực hiện vai trò là ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ, cán cân thanh toán trong đó có nhiệm vụ phát hành công cụ nợ ngắn hạn dưới 12 tháng, bản chất việc phát hành này là thực hiện công cụ nghiệp vụ thị trường mở để cung ứng tiền tệ theo quy định điều 10 theo Luật NHNN Việt Nam năm 2010.

Theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước thì ngân hàng là độc lập, Thống đốc ngân hàng không phải thành viên Chính phủ. Còn ở Việt Nam, NHNN còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, bao gồm các nội dung quản lý Nhà nước theo quy định Luật NHNN Việt Nam.

“Tuy nhiên, với vai trò quản lý Nhà nước thì NHNN Việt Nam không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ nên hoạt động huy động vốn của NHNN Việt Nam không thuộc phạm vi của nợ công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập thì các khoản Chính phủ cho đơn vị sự nghiệp công lập vay lại như bệnh viện, trường học đã được tính vào nợ Chính phủ. Theo quy định hiện hành, các khoản vay theo cơ chế thị trường tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định áp dụng với DN.

Về thẩm quyền quyết định chiến lược nợ công thì theo quy định, Chính phủ quy định, chiến lược, kế hoạch theo thẩm quyền, chiến lươc này mang tính định hướng. Việc xây dựng chiến lược căn cứ chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Một trong những vấn đề trọng tâm mà nhiều đại biểu quan tâm là trách nhiệm quản lý nợ công, Bộ trưởng cho biết, những vấn đề liên quan đến nợ công thì ưa vào 2 nội dung: Thứ nhất là Luật NNHH Việt Nam, quy định về NHNN và thứ 2 là Luật đầu tư công quy định chức năng của Bộ KH&ĐT.

Riêng về vốn vay ODA và trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng cho biết đây đều là chi ngân sách Nhà nước và nằm trong ngân sách Nhà nước.

Về đầu mối quản lý nợ công, Bộ trưởng Dũng cho biết, quan điểm Bộ Tài chính trình là một đầu mối. “Một đầu mối ở đây không phải là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ngân hàng Nhà nước cũng được nhưng kinh nghiệm tổ chức các nước là Bộ Tài chính”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Trang Thu/Báo Tin Tức