02:10 13/02/2020

Bộ trưởng Bộ Công Thương: EVFTA là cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu

Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19 thì EVFTA được thông qua càng có ý nghĩa quan trọng.

Thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt có ý nghĩa giữa dịch COVID-19

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định EVFTA, với kết quả cuộc bỏ phiếu là 401 phiếu ủng hộ, tương đương 63,3%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu đối với Hiệp định EVFTA có ý nghĩa lớn do đây là thị trường với quy mô 18 nghìn tỷ USD và tiềm năng cho hàng Việt còn khá rộng mở. EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc chịu nhiều bất lợi, ít nhất trong quý I/2020. Trong bối cảnh đó, hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.

Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ Hiệp định này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt. Điều này có ý nghĩa khi hiện chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu với báo chí về kết quả bỏ phiếu thông qua hiệp định EVFTA. Ảnh: Trần Việt.

“EVFTA là cơ hội và công cụ quan trọng cho chúng ta phát triển bền vững và mở rộng thị phần xuất khẩu, gia tăng giá trị hàng hóa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiệu ứng của Hiệp định này tới xuất nhập khẩu dễ nhận biết nhất khi hơn 85% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Con số này tăng lên 99% sau 7 năm. 1% còn lại được hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan. Điều này giúp cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam về mặt giá cả cũng như chất lượng sẽ được khẳng định ở thị trường này, chưa kể đến các điều kiện thuận lợi  khác cho Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn phục vụ phát triển công nghiệp chế biến chế tạo cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa về chất lượng về sản phẩm trong chuỗi cung ứng Việt Nam tham gia cùng với EU.

Cùng với đó, EVFTA là Hiệp định chất lượng cao, tính mở và liên kết lớn gắn với cam kết cao về mở cửa thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế nên sẽ là cú hích lớn cho đầu tư trong, ngoài nước. 

“Tôi chắc rằng sẽ có làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, dịch vụ... Công việc lúc này là cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất, khơi thông điểm nghẽn cơ chế, hạ tầng để đón những dòng đầu tư này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Tháng 7 Hiệp định có thể được thực thi

Về thời điểm Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, điểm khác biệt của EVFTA so với các Hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết là khả năng Hiệp định này có hiệu lực rất nhanh. Sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/2, chỉ còn một thủ tục tiếp theo là Hội đồng châu Âu sẽ thông qua phê chuẩn Hiệp định. Còn phía Việt Nam sẽ đợi đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội vào tháng 5 tới, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước sẽ trình lên Quốc hội thảo luận phê duyệt. 

“Nếu như mọi việc thuận lợi đúng như kỳ vọng, Hiệp định được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 5 thì các thủ tục pháp lý của hai bên sẽ rất nhanh chóng, có cơ hội đưa Hiệp định có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020. Nếu sớm được đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại; cải cách thể chế và phát triển kinh tế. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cải thiện tích cực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là rà soát kế hoạch hành động và báo cáo Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua thì Chương trình hành động cũng được ký, ban hành.

Bộ Công Thương đã chuẩn bị cùng các bộ, ngành khác rà soát, sửa đổi khuôn khổ luật pháp của Việt Nam cho phù hợp vì có nhiều điều khoản, nội dung trong các bộ luật và quy định luật pháp của Việt Nam cần được sửa đổi để tương thích với cam kết hội nhập, đồng thời để đảm bảo pháp lý trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nếu thuận lợi, EVFTA có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020, được cho là "cú hích" quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Hải Âu/TTXVN.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ sớm tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, xây dựng cơ chế chứng nhận, kiểm dịch động thực vật giữa Việt Nam - EU. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay là mục tiêu khó khăn, song đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới.

“Khi càng có nhiều ưu đãi về thương mại, đầu tư thì cũng là lúc có nhiều nguy cơ thẩm lậu hàng hóa, vi phạm đầu tư, lợi dụng để gian lận xuất xứ và gian lận thương mại. Vì vậy, thời gian tới cải cách về thể chế của chúng ta trong đấu tranh gian lận cần nâng cao và đặt ra trong khuôn khổ thực thi Hiệp định”, người đứng đầu ngành Công Thương nhìn nhận.

Việt Nam đang tiếp tục bước vào các giai đoạn hội nhập sâu rộng, sẽ tiếp tục thực thi nhiều cam kết có chiều sâu với mức độ cao hơn trước. Cùng với các cơ hội thì việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, các quy định về phòng vệ thương mại…

Để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức, sức ép mà các FTA mang lại thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội. Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Thu Trang/Báo Tin tức