01:15 02/01/2019

Bộ Thống nhất Hàn Quốc: Khả thi nối lại các dự án hợp tác liên Triều

Ngày 2/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết việc nối lại các dự án hợp tác giữa nước này và Triều Tiên là điều khả thi thông qua hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun trong cuộc họp báo tại Seoul. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phát biểu họp báo, người phát ngôn bộ trên Baik Tae-hyun cho hay như đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9, hai bên cần tạo điều kiện về vấn đề này. Theo quan chức này, việc thúc đẩy nối lại các dự án hợp tác cần có sự tham vấn không chỉ giữa hai miền Triều Tiên, mà còn với cộng đồng quốc tế cũng như các bên liên quan, bao gồm các công ty Hàn Quốc điều hành các nhà máy ở Kaesong và một đơn vị Hàn Quốc phụ trách dự án du lịch.

Trước đó một ngày, trong thông điệp năm mới 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng mở lại khu công nghiệp chung ở thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên cũng như nối lại chương trình du lịch tới núi Kumgang trên bờ biển phía Đông của Triều Tiên mà không có “bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí bình thường hóa các dự án hợp tác liên Triều ngay khi "các điều kiện cho phép". Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa này bị cản trở do các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang vốn được xem là những biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã đình chỉ chương trình du lịch tới ngọn núi nổi tiếng này vào tháng 7/2008 sau khi một du khách của nước này bị bắn chết.

Tháng 2/2016, Seoul tuyên bố dừng toàn bộ hoạt động tại Khu công nghiệp chung Kaesong để đáp trả các động thái khiêu khích sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng. Trước khi bị đóng cửa, khu công nghiệp này có 123 công ty Hàn Quốc hoạt động với hơn 54.000 công nhân Triều Tiên sản xuất nhiều loại hàng hóa sử dụng nhiều nhân công như quần áo và dụng cụ gia đình.

Phương Oanh (TTXVN)