04:06 07/04/2021

Bổ sung vốn giúp ngân hàng tăng ‘bộ đệm’ thanh khoản

Theo chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, rủi ro từ dịch bệnh COVID-19 khiến việc tăng vốn không thể chậm trễ, bởi việc bổ sung vốn sẽ giúp các ngân hàng tăng “bộ đệm” thanh khoản để ứng phó tốt hơn. 

Chú thích ảnh
Ngân hàng tăng vốn nhằm nâng cao khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế hậu COVID-19. Ảnh: HH.

Đại diện SeABank tối 6/4 cho biết: Việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng có ý nghĩa quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của SeABank trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, HĐQT Ngân hàng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ đồng lên 15.238 tỷ đồng.

Theo đó, SeABank sẽ tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức; phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (CBNV) của SeABank năm 2021 (ESOP 2021) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, với 1.127 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế, SeABank sẽ phát hành 110.244.161 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 9,12%) để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông của SeABank tại thời điểm chốt danh sách theo quy định. 

Với phương án phát hành ESOP 2021, SeABank dự kiến phát hành tối đa 23.500.000 cổ phiếu cho CBNV của SeABank và/hoặc CBNV của các công ty con của ngân hàng theo danh sách và tiêu chí do Hội đồng quản trị quyết định. Bên cạnh đó, SeABank dự kiến phát hành tối đa 181.311.631 cổ phiếu theo hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. 

Trong động thái mới nhất, NCB đã thông qua chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi nhằm nâng cao năng lực tài chính phục vụ cho kế hoạch phát triển dài hạn. Việc NCB sớm phát hành cổ phiếu chào bán có thể coi là cơ hội tốt cho cả ngân hàng và nhà đầu tư nắm bắt để tăng vốn cho các kế hoạch trung và dài hạn của một ngân hàng đang đẩy nhanh việc tái cấu trúc.

“Số vốn tăng thêm sẽ được dùng để triển khai các kế hoạch trọng điểm và tiềm năng của NCB nhằm đạt được hiệu quả tối đa cho ngân hàng và cổ đông; đồng thời đảm bảo được khả năng quản trị rủi ro ở mức cao nhất như tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR...NCB không chia cổ tức để dành lợi nhuận để tái cơ cấu và phục vụ phát triển ngân hàng”, đại diện NCB cho biết.

Ngân hàng HDBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ đồng lên 20.110 tỷ đồng trong năm nay. Cụ thể: HDBank dự kiến phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%. Với số vốn điều lệ được bổ sung, HDBank sẽ dùng để cho vay trung dài hạn, dự kiến số tiền 2.000 tỷ đồng và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra, HDBank cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho người lao động với thời gian thực hiện kéo dài trong vòng 3 năm từ 2021 đến hết 2023 và được bán thành nhiều đợt. Ngân hàng dự kiến bán hết toàn bộ gần 15,1 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ.

Tăng vốn là một trong những tờ trình quan trọng được Vietcombank trình ĐHĐCĐ diễn ra vào 23/4. Theo đó, Vietcombank đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ khoảng 6,5% vốn điều lệ năm nay, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỷ đồng. Còn VietinBank dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8% trong năm 2021, đưa vốn điều lệ tăng lên 47.953 tỷ đồng.

Đối với Vietcombank, BIDV và VietinBank, phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu đã rộng mở hơn khi Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, trong đó mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sang cả lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên với các ngân hàng này, việc đạt chuẩn CAR mới là điều đáng lo lắng và nguy cơ hụt vốn là rất lớn. Dù việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được gỡ vướng bằng Nghị định số 121, song các ngân hàng này vẫn phải tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để được phê duyệt.

 “Căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel (Basel II), yêu cầu tăng vốn của VietinBank là cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn như tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước không thấp hơn 65% và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đang chịu sức ép lớn từ việc phải cải thiện năng lực tài chính để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II. Đây cũng được coi là một trong những tiêu chuẩn để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng cần có tiềm lực tài chính đủ mạnh để tăng lợi thế về công nghệ, thị trường.  Ngoài ra, thị trường chứng khoán được dự báo có triển vọng thuận lợi trong năm nay là điều cần thiết để giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Mặt khác, Nghị định 121 với điểm đáng chú ý nhất là cho phép dùng ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên, được dự báo sẽ mở cánh cửa rộng cho các ngân hàng tăng vốn.

 “Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp tăng cao, tiềm ẩn khả năng tăng nợ xấu, làm suy giảm quy mô vốn của ngân hàng. Vì vậy, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với việc suy giảm các hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp ngân hàng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc. Nếu bài toán về tăng vốn của các ngân hàng không được giải quyết hiệu quả, có thể sẽ dẫn đến suy thoái kép cho nền kinh tế”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hoài Linh - Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết.

 

Minh Phương/Báo Tin tức