10:19 24/10/2019

Bổ sung diện tích thu hồi đất dự án sân bay Long Thành: Cần phương án giải phóng mặt bằng phù hợp

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 24/10, Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đề nghị Chính phủ tính toán đầy đủ, chính xác các hạng mục đầu tư

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án này.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 gồm: Công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Còn các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. 

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645 ha (từ 1.165 ha lên 1.810 ha); điều chỉnh 1.050 ha đất quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Bên cạnh đó là bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án sân bay Long Thành.

Thẩm tra tờ trình, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nhiều hạng mục đầu tư của dự án mới dừng lại ở thiết kế sơ bộ nên có thể tăng tổng mức đầu tư khi làm chi tiết. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán đầy đủ, chính xác các hạng mục đầu tư, tránh gây biến động lớn về tổng mức đầu tư và thuận lợi cho thanh, quyết toán dự án sau này. 

Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước để làm dự án này.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án có thể đạt tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội giao là hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Ngoài ra, qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi.

Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tính đến tháng 8/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%), do vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Nai) đồng ý với báo cáo thẩm tra, nhưng đề nghị làm rõ hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi về một số vấn đề như: vấn đề kết nối giao thông với sân bay, diện tích bổ sung thu hồi đất và giải phóng mặt bằng.

"Về diện tích bổ sung thu hồi đất tăng thêm, chúng ta tính vào giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của sân bay. Bài toán này giải quyết không kỹ thì khi thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó" - ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề.

Tiếp đó, ông Thưởng phân tích: "Để ưu tiên giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã đồng ý tách ra thành một dự án riêng, trong đó không có mấy trăm ha đất tăng thêm này. Nếu diện tích đất tăng thêm mà đưa vào giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 thì phải điều chỉnh dự án về giải phóng mặt bằng; nếu đưa vào dự án của giai đoạn 1 thì dẫn tới tình trạng phát sinh chệnh lệch chính sách trong quá trình triển khai tại địa bàn. Như vậy cũng là trong dự án sân bay Long Thành mà lại có 2 diện tích đất có chính sách giải phóng mặt bằng khác nhau. Như vậy sẽ khó và vướng trong quá trình thực hiện".

Liên quan các thủ tục bố trí vốn, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho người dân, ông Võ Văn Thưởng cho rằng cần một sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, tỉnh Đồng Nai phải hết sức nỗ lực.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, có lộ trình thực hiện phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cần phải "càng làm tập trung càng tốt", không nên kéo dài thành nhiều giai đoạn, hoặc chia thành nhiều dự án.

"Chúng ta phải lường trước từ khâu quản lý, vận hành đến khâu quy hoạch, có lộ trình phù hợp bởi khi triển khai những dự án lớn như này không chỉ là bề bộn trong quy hoạch mà còn những phát sinh liên quan đến đời sống của người dân" - Đại biểu Quốc chia sẻ.

Đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Kapet

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng trong chương trình làm việc chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án này.

Cũng chiều 24/10, Quốc hội cho ý kiến về đầu tư Dự án Hồ chứa nước Kapet với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo Tờ trình của Chính phủ, công trình sẽ có tính quyết định trong việc cấp nước không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và vùng nam Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.

Tuy vậy, do Dự án có sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông nên căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp thì Dự án Hồ chứa nước Ka pét thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác.

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí cho rằng, dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này.

Xuân Tùng (TTXVN)