06:16 18/06/2021

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính khuyến nghị

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6.

Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 18/6, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ khẳng định: Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có bản chất là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Vũ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung "Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam", Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao cho Viện Chiến lược của Bộ thực hiện. Để xây dựng Bộ Quy tắc, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với tất cả các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức nhiều hội thảo; nghiên cứu các quy định của pháp luật, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này là nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc là 3 nhóm đối tượng chính: tổ chức cá nhân tham gia mạng xã hội; các cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, các quy định đã được nêu rõ trong Bộ Quy tắc nhưng để dễ hiểu, dễ nhớ, có thể tóm gọn lại nội dung bằng 4 chữ: Trọng - Trách - An - Lành.

Trọng: là tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ xã hội để có các hành vi đúng đắn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Trách: là trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây có nghĩa người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Người tham gia dịch vụ mạng xã hội cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

An: là an toàn và bảo mật thông tin. Người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

Lành: là lành mạnh. Các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Vũ chia sẻ: Có thể nói một cách dễ hiểu là Bộ Quy tắc tương tự như Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Theo đó, Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế chỉ mang tính khuyến nghị nhưng khi xảy ra một hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật, sẽ có các quy định của pháp luật xử lý, điều chỉnh.

"Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan" - ông Đỗ Quý Vũ nêu rõ.

Phúc Hằng (TTXVN)