03:11 03/03/2021

Bộ đội biên phòng: ‘Lá chắn thép’ nơi biên cương Tổ quốc phòng chống COVID-19

Không quản mưa gió giá rét về mùa đông, nắng cháy khô hạn về mùa hè, những chiến sĩ quân hàm xanh - người lính biên phòng luôn chắc tay súng vững vàng nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19, giữ yên biên cương Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Bộ đội biên phòng Kon Tum kiểm tra cột mốc biên giới (ảnh chụp năm 2019).

Thời gian qua, những chiến sĩ quân hàm xanh - Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích quan trọng. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân. Các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. An ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển diễn biến phức tạp; hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm ma túy xuyên biên giới có xu hướng gia tăng… Nhiệm vụ công tác biên phòng có những yêu cầu mới cao hơn, trong khi cán bộ chủ trì biên phòng các cấp có nhiều thay đổi.

Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh cho biết: Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, cán bộ chiến sĩ BĐBP đóng quân trên địa bàn đã khai báo y tế, truy vết dịch tễ các trường hợp có liên quan đến các ca nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tất cả cán bộ chiến sĩ ở lại địa bàn công tác, nhất là khu vực có liên quan đến vùng có dịch như các đồn Biên phòng: Quan Lạn, Ngọc Vừng, Cảng Cẩm Phả, Cảng Hòn Gai thực hiên cơ chế điều quân tăng cường, theo nguyên tắc "tuyến sau chi viện cho tuyến trước, các đồn ở vùng ít nguy cơ hơn bổ sung quân số cho đồn chủ động chống xuất nhập cảnh trái phép" như Trà Cổ, Móng Cái vào nội địa.

Đại tá Đặng Toàn Quân, BĐBP Quảng Ninh nhận định: Lợi dụng đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đường bộ giáp với Trung Quốc, nhiều lao động đã nhập cảnh trái phép về nước hòng trốn cách ly. Lực lượng BĐBP Quảng Ninh tập trung canh gác gắt gao trên đường bộ nên các đối tượng đã chuyển sang hướng đường biển khiến công tác vừa chống dịch, vừa chống buôn lậu trên địa bàn càng “nóng”, nhất là khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ đặc biệt quan trọng lúc này là phải kiểm soát tốt địa bàn để tình hình dịch bệnh sớm ổn định”, Đại tá Đặng Toàn Quân.

Huyện Vân Đồn có 2 đơn vị BĐBP đóng quân trên các đảo Ngọc Vừng và Quan Lạn. Địa bàn biên giới bờ biển có đảo Cái Bầu (thị trấn Cái Rồng và các xã giáp danh vùng sân bay Vân Đồn), đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen Thắng Lợi nên địa bàn rất phức tạp, khó quản lý. Bên cạnh đó, các ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại Quảng Ninh có lịch sử dịch tễ hết sức phức tạp, nên để giữ cho dịch bệnh không lây lan ra các đảo là nhiệm vụ quan trọng.

Do đi lại bằng đường thủy cách trở, cơ sở y tế không thể như đất liền, nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan trên đảo thì việc dập dịch sẽ rất khó khăn. Xác định được những hạn chế nêu trên, huyện Vân Đồn phải cô lập nguồn lây, bảo vệ các vùng an toàn không để bệnh lây nhiễm.  

BĐBP Quảng Ninh đã duy trì 92 tổ chốt trên biên giới, trong đó 90 tổ chốt cán bộ chiến sĩ BĐBP và 2 tổ chốt liên ngành phối hợp với các lực lượng chống dịch khác của trên địa bàn tỉnh. Tại đảo Quan Lạn, chốt liên hợp chống COVID-19 hình thành nhằm thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội. Đây là đảo gần bờ cách thị trấn Cái Rồng (địa điểm phong tỏa đợt 3 gần 2 giờ chạy tàu).

Trung tá Trương Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quan Lạn cho biết: Đơn vị thực hiện tuần tra trực gác, khi phát hiện trường hợp nào có ý định hạ tàu xuồng rời đảo, lực lượng biên phòng tiến hành tuyên truyền, vận động để họ yên tâm ở lại đảo trong thời gian giãn các xã hội, thực hiện nghiêm lệnh cấm di chuyển.  

Cũng theo Trung tá Trương Văn Hùng, hiện nay không có khách du lịch nào bị kẹt lại đảo, số công nhân và người lao động làm thuê cũng được tổ chức sinh hoạt hợp lý, dễ quản lý. 

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP khẳng định: Thời gian qua, BĐBP là một trong những lực lượng xung kích, nòng cốt, đi đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Các chiến sĩ biên phòng đã tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hiệp đồng thường xuyên duy trì trên 1.600 tổ, chốt với gần 10.000 người tham gia, kiểm soát chặt chẽ y tế, hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vừa ngăn chặn hiệu quả không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.  

Bên cạnh đó, các chiến sĩ biên phòng cũng tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các xã biên giới vững mạnh; triển khai hiệu quả nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thắt chặt đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức