09:20 15/09/2020

Bỏ công nghệ hạt nhân Mỹ, Trung Quốc ưu tiên ‘cây nhà lá vườn’

Công nghệ AP1000 mà Mỹ phát triển từng là nền tảng của năng lượng hạt nhân thế hệ 3 Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây, công nghệ đó đã được thay thế bằng Hualong One do Trung Quốc nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Tổng cộng 12 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc - đang được xây dựng hoặc trong quá trình phê duyệt - sử dụng công nghệ Hualong One. Ảnh: THX

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã chuyển từ công nghệ năng lượng hạt nhân của Mỹ sang một giải pháp thay thế trong bối cảnh những lo ngại về an ninh năng lượng và bất ổn địa chính trị ngày một gia tăng.

Được công ty Điện lực Westinghouse của Mỹ thiết kế, công nghệ AP1000 từng là nền tảng trong năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, quốc gia châu Á này đã có nhiều lò phản ứng thế hệ thứ ba dựa vào công nghệ Hualong One do chính họ phát triển.

Tổng cộng 12 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc - đang được xây dựng hoặc trong quá trình phê duyệt - sử dụng công nghệ Hualong One. Ngược lại, không có lò phản ứng AP1000 mới nào được phê duyệt trong hơn một thập kỷ. Các lò phản ứng cuối cùng sử dụng công nghệ Mỹ  ở các tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông đã đi vào hoạt động thương mại từ năm 2018.

Hualong One là sự kết hợp giữa công nghệ ACP 1000 của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) và ACPR 1000 của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc. Cả hai công nghệ này đều học tập công nghệ Pháp.

Hualong One đã vượt qua vòng đánh giá quốc gia vào năm 2014 - ba năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima. CNNC thông báo tổ máy thứ 5 và thứ 6 tại Fuqing, tỉnh Phúc Kiến sẽ sử dụng thiết kế lò phản ứng nước điều áp Hualong One, đánh dấu lần triển khai đầu tiên. Sau khi có giấy phép hoạt động từ Bộ Sinh thái và Môi trường, các lò phản ứng bắt đầu được được xây dựng từ năm 2015. Dự kiến cuối năm nay nó sẽ đi vào hoạt động.

Cũng trong tháng này, quá trình đổ bê tông cho lò phản ứng Hualong One thứ hai sẽ được triển khai tại nhà máy năng lượng hạt nhân Zhangzhou tỉnh Phúc Kiến. Tám lò phản ứng khác được thông qua năm ngoái và năm nay tại hai tỉnh Hải Nam và Chiết Giang cũng sẽ sử dụng công nghệ Hualong One.

Chú thích ảnh
Nhà máy năng lượng hạt nhân ở tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: THX

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, AP1000 từng được coi là công nghệ dẫn đầu sử dụng sản xuất năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc vì các tính năng an toàn và đơn giản hóa, cấu trúc mô-đun và các linh kiện nhỏ hơn cho phép quốc gia mua về dễ dàng "nội địa hóa" hơn.

Westinghouse đã ký hợp đồng với CNNC và một số công ty nhà nước khác của Trung Quốc vào năm 2007 để cung cấp AP1000 cho Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Tân Hoa, thỏa thuận quy định Trung Quốc mua 4 lò phản ứng AP1000 và Westinghouse chuyển giao công nghệ AP1000 bao gồm các máy bơm chính cho Trung Quốc để các công ty Trung Quốc có thể xây dựng chúng.

Nhưng các dự án đã bị trì hoãn trong nhiều năm phần lớn do công việc sửa chữa các máy bơm chính. Vào thời điểm bốn lò phản ứng đi vào hoạt động thương mại vào năm 2018, công nghệ nội địa hóa của Trung Quốc đã trở nên khả thi hơn.

“Nhiều nhà máy năng lượng chọn Hualong One trong tương lai vì đây là công nghệ được phát triển độc lập của Trung Quốc và chất lượng của nó không khác gì AP1000. AP1000 là công nghệ của Westinghouse và chúng tôi có thể bị họ kiểm soát nếu chúng tôi muốn xây dựng các lò phản ứng, bán và xuất khẩu sang các nước khác”, Wang Yingsu – Tổng Thư ký phụ trách năng lượng hạt nhân của Hội đồng xúc tiến năng lượng điện Trung Quốc – cho biết.

Bên cạnh đó, những bất ổn địa chính trị cũng khiến Bắc Kinh lựa chọn công nghệ của chính mình. Do những rủi ro mà các nhà máy điện có thể gặp phải trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng, Bắc Kinh đã khuyến khích các nhà máy hạt nhân và các tập đoàn quân sự nội địa hóa thiết bị. Trung Quốc tuyên bố tổ máy đầu tiên của lò phản ứng hạt nhân Hualong One đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 85%.

Năm 2019, Mỹ đã trừng phạt Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc (CGN) và ba công ty con của tập đoàn này vào năm 2019 vì cáo buộc đánh cắp công nghệ của Mỹ sử dụng trong quân sự.

Xu Kan - trợ lý tổng giám đốc nhà máy điện hạt nhân Qinshan, một công ty con của CNNC -  cho biết năm ngoái CNNC đã bắt đầu điều tra tác động của các yếu tố địa chính trị đối với 21 lò phản ứng vào năm 2018. “Kết quả là những tác động rất hạn chế và đối với một số cơ sở ban đầu có công nghệ sản xuất ở Mỹ, chúng tôi có thể thay đổi sang nhà cung cấp ở các nước khác”, ông Xu nói. Mặt khác,

Trung Quốc có một quỹ cụ thể để hỗ trợ các tập đoàn công nghiệp quân sự và các công ty nhà nước nội địa hóa thiết bị của họ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã có gần 49 gigawatt tổng công suất lắp đặt từ các tổ máy năng lượng hạt nhân. Bloomberg dự đoán rằng nước này sẽ vượt Pháp trở thành nhà sản xuất hạt nhân lớn thứ hai thế giới vào năm 2022 và vượt qua Mỹ 4 năm sau đó.

Bảo Hà/Báo Tin tức