01:19 04/01/2019

Bộ Công an tăng cường kiểm soát tình trạng lái xe sử dụng ma túy, rượu bia

Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm đã được lãnh đạo ngành Công an trả lời, thông tin đến báo chí trong cuộc họp báo của Bộ Công an tổ chức chiều 4/1, tại Hà Nội.

Tăng cường các giải pháp để kiểm soát tình trạng lái xe sử dụng ma túy, rượu bia

Tại họp báo, các phóng viên báo chí đề nghị cho biết sau vụ tài xế container gây tai nạn làm 4 người chết và nhiều người bị thương ở Long An vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo gì đối với Cục Cảnh sát Giao thông, Công an các địa phương trong việc siết chặt lại công tác tuần tra kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý việc các tài xế nói chung và tài xế lái xe tải đường dài, xe container nói riêng sử dụng ma túy, rượu bia trong khi lái xe? 

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Doãn Tấn /TTXVN

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cho biết: năm 2018, Cảnh sát Giao thông xử lý 176.585 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 13,1%. Nồng độ cồn luôn luôn là vấn đề trọng tâm được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo xử lý. Lực lượng Công an đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội dịp Tết. Lực lượng Công an, Cảnh sát Giao thông trên toàn quốc đang tập trung lực lượng cao nhất để thực hiện nhiệm vụ này. 

"Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an đã có chỉ đạo, trước hết là tham mưu hoàn thiện thể chế, ở đây là nội hàm của quản lý người điều khiển phương tiện, đặc biệt là phương tiện chở khách, phương tiện kinh doanh vận tải cần phải làm rõ. Chúng tôi sẽ có trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này. Lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tập trung phương tiện, lực lượng một cách cao nhất để phát hiện các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông" - Đại tá Bình cho biết.

Theo ông Đỗ Thanh Bình, đến nay, tính trên 1.000 người  có 40 phương tiện ô tô và 600 phương tiện mô tô, trong khi đó, tốc độ phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Tính hỗn hợp của giao thông ở Việt Nam còn rất cao nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do chính ý thức người điều khiển đặt ra vấn đề rất lớn, cần sự đồng bộ của hệ thống chính trị. 

Chú thích ảnh
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an) trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

"Trong đó có yếu tố kỹ thuật để quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, xử lý mạnh răn đe, xử lý vi phạm nồng độ cồn về mặt hình sự thì chúng tôi sẽ báo cáo để nghiên cứu. Nội dung này có điểm quy định có khả năng xảy ra tai nạn nhưng cụ thể định lượng là gì chưa có, chúng tôi sẽ tham mưu kinh nghiệm quốc tế giải quyết vấn đề này để quản lý Nhà nước trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông cùng sự chung tay của hệ thống chính trị và từng người tham gia giao thông" - Đại tá Bình nói. 

Cũng theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, dữ liệu của Cục Cảnh sát Giao thông cho thấy, từ đầu 2018 đến nay có 2 vụ tai nạn giao thôngliên quan đến ma túy. Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, lái xe phải khám sức khỏe, trong đó có nội dung kiểm tra ma túy trong máu và nước tiểu, rồi kiểm tra định kỳ...

"Vấn đề này cũng có trách nhiệm của chủ thuê lái xe và trách nhiệm phải sử dụng lái xe để đảm bảo an toàn và nâng cao thương hiệu. Quy trình kiểm tra nồng độ cồn và ma túy là bắt buộc" - Đại tá Bình nói.

Đẩy mạnh đấu tranh và các biện pháp để giảm "tín dụng đen"

Về việc đấu tranh và các biện pháp để giảm "tín dụng đen" tại Hà Nội và các địa phương, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết: "Hoạt động tín dụng đen thời gian quan gây bức xúc dư luận, chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an là tập trung điều tra xử lý những doanh nghiệp núp bóng cũng như những cửa hàng cầm đồ hoạt động tín dụng đen".

Chú thích ảnh
 Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Năm 2019, Công an Hà Nội sẽ tập trung giải quyết xử lý một số ổ nhóm, tiếp tục rà soát các điểm kinh doanh cầm đồ cho vay nặng lãi có hoạt động xiết nợ gây mật trật tự - Phó Giám đốc Công an Hà Nội nêu rõ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, tín dụng đen bây giờ không chỉ đóng khung giới hạn trong nước, mà còn liên quan đến cả ngoài nước. Bộ Công an đang tập trung làm rõ những yếu tố bên ngoài. Tới đây, Bộ Công an sẽ thông tin về những chuyên án đấu tranh tội phạm tín dụng đen.

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thêm, theo thống kê chưa đầy đủ trong 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra hơn 7.000 vụ án liên quan đến tín dụng đen, trong đó chủ yếu liên quan các tội danh giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Theo rà soát của Cục Cảnh sát Hình sự, có khoảng 210 băng nhóm liên quan đến tín dụng đen, với gần 2.000 đối tượng.

Theo ông Lương Tam Quang, tín dụng đen là hình thức vay, cho vay vượt trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định, nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với các đối tượng phạm tội có tổ chức, tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê... hay với các hình thức hoạt động như hụi, họ, cho vay online,... 

Chuyển vụ việc Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa cho cơ quan điều tra

Cũng tại họp báo, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin về việc đình chỉ Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương để chờ kết luận của Bộ Công an liên quan đến việc bị tố cáo nhận tiền chạy án.

Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, Lãnh đạo Bộ đã giao Thanh tra Bộ phối hợp xác minh và đã có báo cáo kết quả xác minh đến lãnh đạo. Đến nay, kết quả xác minh đã giao cơ quan Cảnh sát Điều tra để nghiên cứu, điều tra, xử lý theo quy định. 

"Khi nào có kết quả điều tra, kết quả xử lý như nào chúng tôi sẽ thông tin", Người Phát ngôn Bộ Công an nói.

Xuân Tùng (TTXVN)