06:14 08/06/2013

Bình yên vùng biên nắng gió

...Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Quang báo tin mừng: “Cả một vùng khô cằn giờ đang bung nở một màu no ấm. Trước kia ở đây toàn thổ phỉ gây rối, nghèo nàn đeo bám, đường xá thì toàn đất đỏ, giờ khác rồi, nhiều tuyến đường trong huyện đã trải nhựa, xe chạy bon bon”.

Trở lại huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) một chiều cuối tháng 4/2013 tôi được Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Quang báo tin mừng: “Cả một vùng khô cằn giờ đang bung nở một màu no ấm. Trước kia ở đây toàn thổ phỉ gây rối, nghèo nàn đeo bám, đường xá thì toàn đất đỏ, giờ khác rồi, nhiều tuyến đường trong huyện đã trải nhựa, xe chạy bon bon”.


Tìm cách xóa nghèo


Vùng biên Ea Súp nằm lọt giữa bốn bề rừng núi bao quanh, nên dù mùa mưa, khí hậu Ea Súp vẫn nóng đến ngột ngạt. Tuy đã có nhiều chuyển biến như lời ông Quang nói nhưng Ea Súp hiện đang là huyện nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk, với dân số gần 60 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo nhiều xã còn tới hơn 50%. Ngoài ra, Ea Súp còn lo định canh, định cư, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ nghèo khác mới di cư tự do đến, khiến cho chương trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương này thêm khó khăn chồng chất khó khăn.

Điện và nhà kiên cố đã đến với đồng bào các xã giáp ranh Campuchia.


Ở những xã biên giới như Ia Rvê, Ya Lốp, tỷ lệ hộ nghèo còn tới hơn 65%. Bởi vậy công tác tiếp sức, hỗ trợ cho Ea Súp thoát nghèo như một cuộc chạy maraton bền bỉ với chính quyền nơi đây. Triển khai đồng loạt nhiều cách làm hay, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư cho Ea Súp những công trình thủy lợi lớn như Thủy lợi Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ, cải tạo hệ thống đường giao thông, xây dựng đường điện tới tận các thôn, buôn. Các chương trình khác như giải quyết đất ở, đất sản xuất, xóa tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng phần nào tạo điều kiện cho người nghèo ở Ea Súp vươn lên ổn định cuộc sống.

Màu xanh no ấm đã trải dài trên khắp các dải đất khô cằn ở huyện biên giới Ea Súp.


A Ma Xanh, người đi đầu trong công tác vận động khối đại đoàn kết thôn bản tâm sự: “Muốn bình yên thì phải đoàn kết, sinh ra trên mảnh đất này, tôi thấu hiểu, ngoài đất, thủy lợi thì phải tạo cho người dân mái ấm. Vậy là cuộc vận động “mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” được triển khai rầm rộ, chẳng mấy chốc, nhiều căn nhà dột nát đã được thay thế bằng nhà kiên cố”. Cùng với sự đầu tư trên, sự tận tụy của các cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng đã góp phần làm chuyển biến diện mạo của nhiều thôn bản xa xôi. Vất vả, đó là điều hiển nhiên khi nói về công việc của những cán bộ này. Chỉ riêng chuyện điều tra hộ nghèo thôi cũng rất phức tạp rồi. Trần Thống, một cán bộ giảm nghèo ở Ea Súp tâm sự: “Làm công tác dân vận cũng như giảm nghèo không mềm dẻo và sâu sát là thất bại ngay, nhất là đối với một huyện đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo cao. Từ buôn này đến buôn khác cách nhau mấy chục km, dân lại hay lên rẫy nên nhiều khi cán bộ điều tra hộ nghèo phải làm vào ban đêm. Mặt khác, công tác điều tra cũng khá phức tạp vì hộ nào cũng muốn được nghèo để nhận hỗ trợ. Vì thế, chúng tôi phải phối hợp với ban quản lý làng và người dân xung quanh để tìm hiểu, đánh giá một cách chính xác, nhằm tránh thắc mắc, kiện cáo trong bà con, đồng thời có cơ sở giúp họ thoát nghèo hiệu quả, từ đó đả thông tư tưởng cho họ nỗ lực vươn lên”.


Chung tay vì bình yên


Chỉ tay vào nương ngô trải dài một màu xanh ngút ngát, A Ma Xanh thổ lộ: “Thú thật với anh, mấy năm trước cả cái huyện này, lâm tặc nhan nhản, chỉ chăm chăm đi phá rừng xuyên biên giới. Giờ tư tưởng của họ được đả thông nên đã chăm chỉ làm ăn rồi”. Huyện Ea Súp đang dần khởi sắc. Chỉ tính riêng tại một số xã như; Ya Lốp, Ia Rvê và Ea Bung, tỷ lệ hộ nghèo đã và đang giảm dần, nhiều căn nhà thuộc diện 135 đã được xây dựng, thay thế nhà tạm dột nát.

Học sinh ở Ea Súp đã được vận động đến trường đúng độ tuổi.


Già làng Y Bút Siu cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cán bộ giảm nghèo, hàng trăm buôn trên địa bàn huyện hiện nay đã có đường nhựa để đi, điện thắp sáng đến tận các hộ gia đình. Mấy năm nay, con đập thủy lợi Ea Súp Thượng đã được sửa chữa kiên cố nên đã cho nhiều nước, ruộng không sợ thiếu nước để sản xuất như những năm trước nữa nên người dân trong buôn rất yên tâm làm ăn. Bà con nhân dân trong buôn một lòng tin tưởng vào Đảng, vào các chính sách đúng đắn của Nhà nước về phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những người già, người lớn tuổi trong buôn thường xuyên bảo ban nhắc nhở con cháu trong gia đình chăm chỉ làm ăn xây dựng đời sống kinh tế, không tin, không mắc mưu và sự xúi giục của bọn xấu nữa. “Năm 2012, chúng tôi đã vận động được 36 tên lâm tặc hoàn lương, 3 đối tượng từng buôn ma túy cũng từ bỏ hành vi gieo rắc cái chết trắng”.


Bên cạnh sự đoàn kết thôn bản, dự án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng ở Ea Súp đã thổi thêm vào vùng biên này một làn gió mới. Đến dải đất ven các con sông Ya H’leo, Ya Lốp giáp biên giới với nước bạn Campuchia vào những ngày này, chúng tôi đã nhìn thấy các cụm dân cư đông đúc. Những dãy nhà sàn làm bằng gỗ xen với những ngôi nhà ngói mới xây đã mọc lên khá nhiều. Đặc biệt ngành chăn nuôi và trồng lúa nước đã được các cán bộ biên phòng cùng cán bộ giảm nghèo địa phương đẩy lên phát triển khá mạnh.


Bên cạnh những cách làm hiệu quả, linh động trên, Đảng bộ Ea Súp cũng nêu cao quyết tâm từ nay đến năm 2015, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 14-15%; tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp 52%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 28%, thương mại dịch vụ 20%. Đến năm 2015 có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, vận động các đối tượng phá rừng xuyên biên giới quay sang giữ rừng, giữ bình yên cho buôn làng.

Bài và ảnh:Hà Văn Đạo